Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

5 nhân tố quyết định sự thành công của đại hội các chi bộ trực thuộc

Đại hội chi bộ là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt, giúp đảng viên nâng cao nhận thức, hiểu biết về nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, nâng cao tinh thần trách nhiệm để từ đó nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu, tự giác và đi đầu trong thực hiện Nghị quyết của Đảng và trực tiếp là Nghị quyết đại hội chi bộ.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Bộ, đến hết tháng 5 năm 2020, Đảng ủy 18 Đảng bộ cơ sở đã chỉ đạo tổ chức thành công đại hội tại 98/98 chi bộ trực thuộc. Đại hội các chi bộ đã tham gia, thảo luận, biểu quyết và quyết định ba nội dung chính là: Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2017 - 2020; quyết định các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ của chi bộ; bầu cấp ủy chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2022 và đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện của tổ chức đảng cấp trên.

Qua tổng kết quá trình chỉ đạo tổ chức đại hội các chi bộ trực thuộc, có thể chỉ ra 5 nhân tố quan trọng để tổ chức thành công đại hội các chi bộ trực thuộc.

Năm nhân tố quyết định sự thành công của đại hội các chi bộ trực thuộc - Ảnh 1.

Đồng chí Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy Bộ phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Sự chủ động chuẩn bị của cấp ủy

Do đặc thù về chức năng, nhiệm vụ, biên chế các đơn vị nên các chi bộ trực thuộc Đảng ủy Bộ và trực thuộc các đảng bộ cơ sở đều có số đảng viên ít. Vì vậy, chỉ có 30% số chi bộ trực thuộc có chi ủy, 50% chi bộ có Bí thư và Phó bí thư, 20% chi bộ chỉ có Bí thư chi bộ. Hầu hết các đồng chí được bầu giữ chức vụ Bí thư và Phó Bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2017 - 2020 là Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng đơn vị. Vì vậy, để chuẩn bị cho đại hội, sự chủ động của cấp ủy có vị trí hết sức quan trọng.

Để tiến đến đại hội, cấp ủy các chi bộ triển khai đồng thời nhiều công tác chuẩn bị như: rà soát, bổ sung quy hoạch, rà soát tiêu chuẩn chính trị, đánh giá nhận xét đối với các đồng chí trong quy hoạch, xây dựng chương trình đại hội, dự thảo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, dự thảo báo cáo kiểm điểm của cấp ủy; xây dựng đề án nhân sự; dự thảo nghị quyết đại hội, dự thảo Chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội; xây dựng kịch bản điều hành đại hội; nghiên cứu, tổ chức để chi bộ nghiên cứu đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị trình địa hội lần thứ XIII của Đảng, đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, dự thảo Báo cáo chính trị trình đại hội đại biểu lần thứ IX của Đảng bộ Bộ và dự thảo Báo cáo của Đảng bộ cấp trên trực tiếp… rồi chuẩn bị trang trí đại hội, bố trí địa điểm tổ chức đại hội bảo đảm yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch…

Trong điều kiện phải đồng thời thực hiện "một núi" công việc như vậy, các đồng chí trong cấp ủy phải là người chủ trì, chịu trách nhiệm chính, tổ chức để toàn thể đảng viên trong chi bộ được tham gia vào quá trình chuẩn bị. Nhưng để bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch, các đồng chí trong cấp ủy phải chủ động sắp xếp công tác chuyên môn, dành quỹ thời gian cần thiết, có sự phân công khoa học và phối hợp chặt chẽ, chia sẽ thông tin để hoàn thành công tác chuẩn bị một cách nhịp nhàng, ăn khớp.

Đại biểu biểu quyết thông qua Chương trình làm việc của Đại hội.

Đại biểu biểu quyết thông qua Chương trình làm việc của Đại hội.

Dân chủ, tập trung trong xây dựng Đề án nhân sự

Căn cứ hướng dẫn về công tác nhân sự của cấp trên, Đảng ủy Bộ đã ban hành Hướng dẫn số 16-HD/ĐU, hướng dẫn các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, các chi bộ trực thuộc các đảng bộ cơ sở thực hiện quy trình công tác nhân sự. Theo đó, để chuẩn bị đề án nhân sự trình đại hội, cấp ủy đương nhiệm phải thực hiện quy trình 3 bước:

Bước 1. Hội nghị Chi ủy (hoặc cấp ủy): Chi uỷ, cấp ủy dự kiến số lượng, cơ cấu, nhân sự cấp ủy khóa mới (bao gồm cả nhân sự tái cử và nhân sự mới) đảm bảo về cơ cấu, độ tuổi theo hướng dẫn của đảng uỷ cấp trên.

Bước 2. Tổ chức hội nghị chi bộ: Chi ủy (hoặc cấp ủy) báo cáo kết quả hội nghị bước 1, xin ý kiến Chi bộ (có thể giới thiệu thêm); tổng hợp danh sách giới thiệu và tổ chức để Chi bộ lấy phiếu giới thiệu nhân sự đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2022 bằng hình thức bỏ phiếu kín; tổng hợp danh sách giới thiệu nhân sự.

Bước 3. Căn cứ kết quả tại bước 2, Cấp ủy xây dựng Đề án nhân sự, báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét phê duyệt hoặc có ý kiến chỉ đạo trước khi tiến hành đại hội.

So với nhiệm kỳ trước, việc có thêm bước 2 trong quy trình nhân sự thể hiện tinh thần mở rộng dân chủ, phát huy quyền và trách nhiệm của mỗi đảng viên trong việc tham gia vào công tác nhân sự của chi bộ trong nhiệm kỳ mới. Tuy vậy, việc hiểu đúng, thực hiện đúng yêu cầu (giới thiệu tái cử trước, giới thiệu tham gia lần đầu sau, được giới thiệu thêm nhân sự trong quy hoạch mà chưa được cấp ủy đề xuất sau khi tiến hành bước 1…) đòi hỏi cấp ủy, người chủ trì hội nghị bước 2 phải công tâm, khách quan, dân chủ để hướng dẫn đảng viên trong chi bộ thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm thì mới đáp ứng được yêu cầu công tác nhân sự, khi trình ra đại hội mới thành công.

Sự điều hành linh hoạt, đúng nguyên tắc của Đoàn chủ tịch quyết định không khí của đại hội

Việc điều hành của Đoàn chủ tịch hoặc Chủ tịch đại hội rất quan trọng, ảnh hưởng đến không khí và mức độ thành công của đại hội. Trên thực tế, việc xây dựng "Kịch bản điều hành đại hội" đã được chuẩn bị kỹ, có sự phân công rõ nhiệm vụ cho từng thành viên trong Đoàn chủ tịch. Tuy vậy, để đại hội diễn ra liền mạch, có điểm nhấn, tạo không khí tốt cho đại hội thì việc điều hành của Đoàn chủ tịch cần linh hoạt, khéo léo, phối hợp nhịp nhàng. Điều này có nghĩa các thành viên Đoàn chủ tịch cần nghiên cứu, nắm chắc nội dung đại hội và kịch bản điều hành, cố gắng thoát ly kịch bản đã chuẩn bị sẵn, tập trung triển khai những nội dung chính đã được phân công.

Bên cạnh đó, Đoàn chủ tịch cũng cần có phương án ứng xử một cách hợp lý đối với những ý kiến trái chiều trong phân tích, đánh giá về công tác lãnh đạo, những ý kiến đề xuất khác với dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội mà cấp ủy đã xây dựng hoặc những vấn đề ngoài nội dung của đại hội. Việc xử lý thành công những tình huống như vậy sẽ tạo không khí dân chủ, sôi nổi, đóng góp vào thành công của đại hội.

Trách nhiệm của đảng viên phải được phát huy cao độ

Trong Đại hội, toàn thể đảng viên được nghe báo cáo, thảo luận đóng góp ý kiến vào Báo cáo đánh giá ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ của chi bộ cả nhiệm kỳ, trên cơ sở đó đề ra chỉ tiêu phấn đấu, các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình hành động; bầu ra cấp ủy để lãnh đạo, dẫn dắt chi bộ hoạt động trong nhiệm kỳ 2020 - 2022. Để đạt được kết quả tốt nhất, tại đại hội, mỗi đảng viên phải đề cao trách nhiệm cá nhân với chi bộ; nghiên cứu kỹ dự thảo văn kiện (từ đánh giá ưu khuyết điểm, nguyên nhân, chỉ tiêu phấn đấu, giải pháp thực hiện…) để đóng góp với đại hội. Đồng thời sáng suốt lựa chọn những đồng chí thực sự tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, năng lực tổ chức lãnh đạo, trách nhiệm nêu gương để bầu vào cấp ủy khóa mới. Đây mới chính là vấn đề cốt tử quyết định sự thành công của đại hội. Nếu mỗi đồng chí đảng viên không không đề cao vai trò trách nhiệm mà cứ nghĩ đây là trách nhiệm chung, mình không tham gia, góp ý sẽ có người khác góp ý… rồi cứ biểu quyết thông qua thì Nghị quyết đại hội ít có tính khả thi, thậm chí chỉ nằm trên giấy đến đại hội khóa sau.

Sự có mặt, chỉ đạo và giám sát quá trình đại hội của cấp ủy cấp trên sẽ góp phần để tổ chức đại hội thành công.

Mặc dù đã được tập huấn về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội, nhưng vì cấp ủy các chi bộ trực thuộc là kiêm nhiệm công tác đảng; hầu hết phải gánh vác và chỉ đạo để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ công tác chuyên môn của đơn vị nên thời gian dành cho việc nghiên cứu các quy định của Đảng (đặc biệt là quy chế bầu cử trong Đảng và các hướng dẫn thực hiện) chưa nhiều, thậm chí có trường hợp chưa hiểu đúng và hiểu kỹ các quy định trong điều hành công tác bầu cử. Vì vậy, đại diện cấp ủy cấp trên đến dự đại hội sẽ làm cho không khí đại hội nghiêm trang, long trọng hơn.

Đại biểu cấp trên không chỉ phát biểu động viên, định hướng, giúp cho đại hội đánh giá đúng nhiệm kỳ đã qua, xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp (đặc biệt là các nhiệm vụ và giải pháp đột phá) trong nhiệm kỳ mới mà còn phải giám sát, hướng dẫn công tác ứng cử, đề cử, chốt danh sách bầu cử để đại hội sáng suốt lựa chọn, bầu ra cấp ủy khóa mới đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện, đủ sức để gánh vác, để dẫn dắt, lãnh đạo toàn chi bộ hoàn thành được các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đã đề ra.