Hai bức được mua ngay ở phiên đấu giá số 5 là tác phẩm “Ước vọng” của họa sĩ Lê Hồng Quang được trả giá 4 triệu đồng. Tác phẩm là một không gian tĩnh lặng giàu tính biểu tượng với chữ “An” đặt dưới ánh sáng của ngọn nến và là một lời chúc hàm xúc, một ước vọng mà mỗi người chúng ta đều hướng tới.
Bên cạnh đó, tác phẩm “Ngõ nắng” của Đinh Công Tuyến cũng lập tức được mua ngay với giá 5 triệu đồng. Tác phẩm được thể hiện trên chất liệu tranh bột điệp, là chất liệu đặc biệt do họa sĩ Đinh Công Tuyến sáng chế và đã đăng ký Bằng sáng chế về chất liệu và quy trình chế tác.
Không vẽ trên giấy, vải... mà được vẽ ngược trên nền của màng điệp và cán trên nền gỗ, được hoà trộn nhiều lớp giữa keo nhựa eboxy và bột điệp. Vì vậy, toàn bộ tác phẩm được bao trọn bởi những lớp nhựa eboxy trong suốt và rắn chắc, mang đến độ bền cực cao (có thể tới hàng trăm năm). Tranh không chịu ảnh hưởng của thời tiết, và cũng không chịu bào mòn bởi các dung môi khác. “Ngõ nắng” của Đinh Công Tuyến là tác phẩm tiêu biểu cho kỹ thuật độc đáo của anh.
Cũng ở phiên đấu giá số 5, còn 3 tác phẩm được các nhà sưu tầm trả giá là bức “Hoàng hôn” của Lê Minh Sơn với giá 8 triệu đồng, bức “Đồng dao” của Lê Minh với giá 5 triệu đồng, bức “Tĩnh vật mùa xuân” của Lý Hùng Anh với giá 5 triệu đồng.
So với các phiên đấu giá đã diễn ra, phiên số 5 có nhiều tác phẩm được đặt giá khởi điểm khá thấp nhưng lại là phiên có nhiều nhà sưu tập mua ngay tác phẩm. Với một chương trình mang nhiều ý nghĩa như “Vượt qua đại dịch Covid-19” một hành động nhỏ đồng hành cùng chương trình cũng đều rất đáng trân trọng ở tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp. Vì thế, giá trị vật chất của tác phẩm dù lớn hay nhỏ đều đáng quý như nhau.
Ở phiên đấu giá số 5 “Vượt qua đại dịch Covid-19”, đã có 2 bức được mua ngay ở những phút đầu tiên khai sàn. Dù đây là những tác phẩm không mang lại nhiều giá trị vật chất như “Không gian run rẩy” của Lý Trực Sơn hay “Chuyện cũ” của Phan Cẩm Thượng, nhưng sự hào phóng và nhiệt tình của các nhà sưu tầm mới thực đáng trân trọng.