Dưới đây là những việc các gia đình phải làm sau khi tiễn táo quân chầu trời
1. Dọn dẹp, tẩy uế ban thờ (còn gọi là bao sái)
Do tin rằng, những ngày này thần linh đi vắng nên đây là dịp để các gia đình dọn dẹp ban thờ sau một năm, cũng là chuẩn bị ban thờ Tết.
Thông thường, trong lễ tiễn Táo quân, chủ nhà cũng xin phép việc sửa sang bàn thờ đón Tết. Một số gia đình cẩn thận hơn, ngoài lễ tiễn Táo quân, khi dọn dẹp ban thờ lại thắp hương với hoa quả, nhang đèn để xin phép thần linh.
Việc đầu tiên, cần chọn người trong gia đình có tính tỉ mỉ, cẩn thận, thường là người chủ sự gia đình hạ bát hương xuống để làm công việc bao sái ban thờ. Khi hạ bát hương, cần để bát hương ở nơi sạch sẽ, tránh bị va chạm, cẩn thận hơn trải hoặc phủ vải đỏ cho bát hương khi bao sái.
Trong một năm, ban thờ có thể bị bụi, bẩn. Các gia đình có thể tháo ban thờ để lau rửa hoặc dùng khăn sạch, nước sạch để làm công tác vệ sinh. Kết thúc công việc lau rửa, có thể dùng nước nóng hòa tinh dầu ngọc am, quế… hoặc đơn giản hơn là đun nước gừng để lau rửa lại một lần cuối. Tương tự với ảnh thờ, đồ thờ.
2. Tỉa chân hương (nhang) và thay tro bát hương nếu cần thiết
Trong một năm, trải qua các ngày rằm, mùng một và các kì giỗ, chân hương của bát hương sẽ rất nhiều. Lúc này, có thể tỉa từng chân hương, và để lại số chân hương lẻ như 3, 5, 7, 9 (theo số âm). Số chân hương còn thừa sẽ mang hóa (đốt) sau khi làm lễ.
Có thể thay tro mới trong bát hương. Một số gia đình cầu kì, sẽ mua rơm nếp về đốt, thay thế tro cũ trong bát hương. Đơn giản hơn, có thể mua tro bán sẵn ở các cửa hàng bán đồ thờ cúng. Cần lưu ý giữ nguyên phần cốt của bát hương (thường là đá quý, kim loại quý…) để lại trong bát hương trong quá trình thay tro. Số tro thừa sẽ được mang rắc ở sông, hồ có nguồn nước lưu thông.
Có một số trường hợp bát hương, ban thờ không còn phù hợp với điều kiện gia đình (gia chủ muốn ban thờ khang trang hơn), các gia đình có thể thay thế.
Đối với bát hương, cần lưu ý giữ lại phần cốt bát hương và chân nhang cũ. Bát hương, ban thờ cũ có thể mang hóa.
Tuy nhiên, việc mang bát hương thả ra sông, hồ cần lưu ý đến việc ảnh hưởng cảnh quan, môi trường. Đồng thời, tại các sông, hồ ô nhiễm, các gia đình không nên mang bát hương, ban thờ cũ ra đó để thả.
3. Làm lễ mời an vị Táo quân vào ngày cuối năm và cúng Tất niên
Mâm cơm gia đình sau khi cúng ông công ông táo. Hình minh họa
Lúc này, ban thờ đã sạch sẽ, khang trang để chào đón Thần linh, các gia đình cần làm lễ an vị Táo quân, an vị Thần linh. Thông thường, lễ cúng này được làm vào trưa ngày 30 Tết. Tuy nhiên, các gia đình về quê, đi xa trong ngày này có thể cúng sớm hơn. Có thể cúng lễ Tất niên gộp vào lễ thỉnh an vị Táo quân vào buổi trưa hoặc chiều ngày 30 Tết.
4. Trang hoàng lại nhà cửa
Nhà cửa sạch đẹp dể đón sinh khí từ đất trời.
Người xưa tin rằng cuối năm lau chùi, dọn dẹp đồ đạc, thải bỏ đồ vật không cần thiết là cách để xua đuổi tà khí trong nhà, mang đến cho không gian sống, nhất là khu vực bếp núc - nơi gia đình thường xuyên sinh hoạt, quây quần - một nguồn sinh khí mới. Lưu ý 11 giờ trưa ngày tất niên nên đốt 3 ngọn nến trước ba vị thần Phúc, Lộc, Thọ và các vật phẩm phong thủy khác trong nhà nếu có.
5. Mở cửa, bật đèn đón sinh khí từ đất trời
Đêm 30 Tết, tất cả cửa chính và các cửa nhà phải được mở trước giao thừa, đèn nến bật càng nhiều càng tốt, để cả nhà tràn ngập ánh sáng, đón nguồn sinh khí linh thiêng từ đất trời, mang lại sức sống và may mắn cho cả gia đình. Khi thời khắc giao thừa đến, con cái sẽ chúc bố mẹ những lời chúc tốt đẹp, cùng nhau lên chùa hái lộc đầu năm. Ở nhiều nơi, những ai làm ăn đều chọn đêm giao thừa để xuất hành với mong ước mọi chuyện sẽ gặp nhiều thuận lợi trong năm mới.
Theo K.N (Th)/Giadinh.net.vn