Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

50 năm, những gì còn lại …

Đầu tháng 6/2015, Sở GTVT Quảng Bình mời tôi ra dự cuộc tọa đàm về cuốn sơ thảo “Lịch sử Giao thông vận tải Quảng Bình 1945-2015”, với tư cách là một “nhân chứng sống”, chứ không phải là một nhà văn.

 

Ba cháu nội của liệt sĩ Thái Văn Hoàng (hàng sau) cùng vợ chồngThái Văn Đôi và anh Trần Xuân Cảnh (hàng trước).

Trước khi bàn chuyện “chữ nghĩa” trên những trang giấy của cuốn lịch sử sắp in, tôi muốn được đi … “thực địa” - muốn đến thắp hương cho những đồng đội của tôi đã hy sinh trên đường 12A tròn 50 năm trước. Phải! Tròn 50 năm trước - tháng 6, tháng 7/1965 - theo quyết định của Chính phủ, hàng vạn thanh niên xung phong(TNXP) miền Bắc lần lượt đến các trọng điểm GTVT, trong đó, hơn một ngàn TNXP đầu tiên được điều lên đường 12A. Hồi đó, tôi đang là cán bộ bảo đảm giao thông ở đây, con đường chiến lược vượt Trường Sơn qua Ca Tang, Cha Lo, đèo Mụ Giạ, với những anh hùng từng nổi tiếng như liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân, đại đội TNXP 759 và anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế…

Tôi đã viết cả ngàn trang sách về cuộc chiến đấu ở đây, tuy vậy vẫn thấy mình còn mang nợ vì còn bao nhiêu sự tích, bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh một cách thầm lặng chưa được nhắc đến. Điều đó cũng dễ hiểu vì trước đây, do yêu cầu cổ vũ tinh thần chiến đấu, thường chỉ chú trọng đến những anh hùng, những tấm gương điển hình, nhưng hôm nay thì phải có cái nhìn trung thực và công bằng hơn.

Trong những chiến sĩ hy sinh thầm lặng đó, đặc biệt có 8 TNXP đại đội 757, quê huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). 8 chiến sĩ trẻ măng, vừa nhập ngũ được hơn 3 tháng. Lúc đó, tôi đang là cán bộ bảo đảm giao thông, thuộc Công trường 12A, đóng tại bản La Trọng, rất gần nơi C. 757 đóng quân, nên sau trận bom chốc lát, đã cùng một số cán bộ công trường chạy đến tiếp cứu.

Thái Văn Đôi bên bàn thờ bố.

Để “làm chứng”, tôi xin trích nguyên văn những dòng Nhật ký vắn tắt ghi vội trong khung cảnh chiến tranh từ nửa thế kỷ trước.

 

Trích Nhật ký ngày 1/9/1965:

10 ngày qua, ở công trường dồn dập những tin không vui, thương vong liên tiếp vì bom đạn Mỹ…Hai công nhân Đội Cầu 1 gác đèn phòng không, bị trúng bom chết… Bom nổ ở mép ta-luy đối diện với chòi gác. Hai công nhân bị tung xuống khe, xác không còn nguyên vẹn.

Hai đồng chí chết lúc 3 giờ sáng, thì 8 giờ, phản lực Mỹ ném bom trúng lán C.757 (Lệ Thủy). Lán làm dưới cây khá kín đáo, nhưng ở gần đường… Trong lán có giao thông hào tốt, nhưng anh chị em không kịp xuống. 8 người hy sinh ( 4 nam, 4 nữ ở cùng một xã). 7 người không tìm thấy xác. Nghe tin, cả Công trường bộ chạy xuống giúp tải thương, tìm xác. Lái xe Nguyễn Văn Tánh phóng xe giữa ban ngày để chở thương binh đi cấp cứu…

8 TNXP C.757 Lệ Thủy, hy sinh một lúc gần La Trọng, có khác chi “Tám Cô” hy sinh trong hang đá bên đường 20 sau này; cả hai trường hợp đều không phải “đang chiến đấu”, nhưng ở những trọng điểm ác liệt, dốc đèo quanh co hiểm trở như đường 12A, hay đường 20, thì ở trong lán hay ở mặt đường cũng nguy hiểm như nhau, cũng là mục tiêu của bom đạn Mỹ. Vậy nhưng “Tám Cô” thì được truyền tụng trên rất nhiều sách báo, còn 8 TNXP Lệ Thủy thì đúng là hy sinh trong thầm lặng, mặc dù đây là vụ TNXP hy sinh lớn nhất, xảy ra đầu tiên, không chỉ trên vùng đất lửa Quảng Bình, mà trên cả nước! Cho đến hôm nay… Tròn nửa thế kỷ đã qua!

Nhân đây, tưởng cũng cần nói rõ: “Tám Cô” hy sinh trong hang đá bên đường 20, thực ra gồm 4 trai, 4 gái! Lại một sự trùng hợp ngẫu nhiên: 8 chiến sĩ TNXP C.757 hy sinh cũng 4 gái, 4 trai! Chỉ khác, bên con đường qua cầu Rông-Dài gần thung lũng La Trọng suốt 50 năm qua, không ai biết nơi đây, đã xảy ra một sự kiện vô cùng đau thương, để thắp một nén hương tưởng nhớ 8 bạn trẻ quê Lệ Thủy, theo tiếng gọi của Tổ Quốc, đã phải vĩnh biệt cuộc đời ở tuổi đôi mươi! 

 Viết ra điều này, tôi thấy mình cũng là người có lỗi. Hồi đó, tôi đã… quên không ghi lại tên 8 chiến sĩ đã hy sinh; cũng do công việc cuốn đi, địch đánh ngày càng ác liệt, đơn vị nào cũng có người hy sinh, nhiều tấm gương anh hùng cần được tuyên truyền kịp thời…  Cho đến hôm nay… Từ nguồn tin của một cựu TNXP C.757 hiện sống ở Huế, tôi đã liên lạc được với anh Trần Xuân Cảnh, Trưởng Ban liên lạc cựu TNXP xã Thái Thủy - quê hương của 8 chiến sĩ đã hy sinh trên đường 12A tròn 50 năm về trước. Dù đã muộn màng, xin được trân trọng ghi lên đây tên 8 liệt sĩ TNXP cùng quê xã Thái Thủy, theo bản danh sách mà anh Cảnh vừa gửi cho tôi:

1.- Lê Văn Phiệt, sinh năm 1938;

2.- Lê Văn Vấn, sin năm 1941;

3.- Nguyễn Văn Vĩnh, sinh năm 1944;

4.- Võ Thị Thòa, sinh năm 1943;

5.- Phan Thị Huynh; sinh năm 1945;

6.- Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1944;

7.- Lê Thị Kiệng, sinh năm 1944;

8.- Thái Văn Hoàng, sinh năm 1936.

Cả 8 người, nay bố mẹ đều đã mất, việc thờ phụng liệt sĩ do anh hoặc em ruột lo; riêng liệt sĩ Thái Văn Hoàng, trước khi lên đường đã có vợ con, người con trai là Thái Văn Đôi, nay đã trên 50 tuổi...

Tôi nhận thông tin này từ anh Cảnh mấy tháng trước, nhưng đến nay mới có dịp ra Quảng Bình. Nghe chuyện, kỹ sư Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình liền cho lái xe Thọ và anh Hòa, Chánh văn phòng, đưa tôi lên xã Thái Thủy, một xã giáp với huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê thắp hương tưởng niệm các TNXP xã Thái Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình)

Anh Cảnh đã chờ sẵn chúng tôi trước cửa UBND xã. Trước khi ra nghĩa trang, anh đưa chúng tôi sang thăm gia đình người con trai và vợ liệt sĩ Thái Văn Hoàng ở ngay sát trụ sở UBND xã. Ngày anh Hoàng hy sinh, cháu Thái Văn Đôi mới 1 tuổi, nên ít lâu sau, vợ anh đã phải tái giá. Chị tên là Ngô Thị Ché, có 4 con với người chồng sau, nay đã là một cụ bà 75 tuổi. Cụ ông đã mất, chị ở với người con trai. Sau khi nghe anh Cảnh giới thiệu, chị rụt rè ngồi ghé mép tấm phản đặt trước hiên nhà, nói rất nhỏ:

…Hồi đó, tôi có được lên công trường mô. Họ đưa về trong một cái hòm gỗ, rồi chia ra 8 phần, vì không ai còn nguyên vẹn, chỉ còn những mẩu xương, những lóng tay, lóng chân…riêng con Thu có mái tóc dài không lẫn với ai!...

Thời gian nửa thế kỷ với vô số những đổi thay trong cuộc sống đã khiến cho sự mất mát và khung cảnh bi thương tột cùng đó không còn sắc nét, không còn làm cho người thân của liệt sĩ rơi nước mắt nữa. Ở nhà Thái Văn Đôi cũng vậy. Giữa ngày nắng như đổ lửa, nên cả gia đình - hai vợ chồng, ba đứa con - đang tụ họp bên nhau. Người vợ - Hoàng Thị Lành - chỉ nói đến những lo toan trong cuộc sống hôm nay:

 …Nhà 5 khẩu, chỉ có 4 sào ruộng, nhưng nhờ có nghề phụ nên cũng đủ sống, cũng lo được cho 3 cháu ăn học. - Chị chỉ cô gái trắng trẻo và xinh xắn với cái tên khá đẹp Thùy Linh, đang e thẹn đứng ở góc buồng và nói tiếp - Cháu lớn vừa học xong kế toán, nhưng không xin được việc làm bác ơi!…

Tôi nhìn lên bàn thờ, không có ảnh liệt sĩ Thái Văn Hoàng, chỉ có bằng Tổ quốc ghi công. Vậy là hình ảnh cả 8 liệt sĩ chỉ còn trong ký ức của người thân - “Những người chết còn trẻ mãi”, như nhan đề một cuốn sách của nữ văn hào Đức Anna Dêgơc. Trước khi ra Nghĩa trang, tôi thắp hương lên bàn thờ và tạm biệt gia đình Thái Văn Đôi với lời cầu mong một doanh nghiệp nào đó, biết được thông tin này, sẽ sớm nhận cháu Thùy Linh vào làm việc…

Kể cũng có thể gọi là may mắn, mặc dù di hài 8 liệt sĩ C.757 không gom lại được bao nhiêu, nhưng đồng đội của các anh chị ở Công trường 12A, chẳng quản đường xa đầy bom đạn, đã dem về tận quê hương để hôm nay, nửa thế kỷ sau, còn lại ở Nghĩa trang xã Thái Thủy 8 ngôi mộ xếp liền nhau, ngay bên lối vào, bên gốc sứ thỉnh thoảng lại buông một đóa hoa trắng tinh khiết xuống cạnh những nén hương đang tỏa khói lên bầu trời cao xanh vời vợi. Liệu vong linh “các bạn” còn ở quanh đây?… Nửa thế kỷ qua rồi! Liệu “các bạn” còn nhận ra “anh chàng Phê” cán bộ Công trường 12A, cùng với anh Quỳ kỹ thuật viên, từng đi lấp hố bom với C.757 bên cầu Khe Ve, trên dốc La Trọng ngày nào không?... “Các bạn” có biết đường qua dốc La Trọng cheo leo nham nhở hố bom ngày nào, nay đã thành một nhánh đại lộ xuyên Á rộng thênh thang, được thảm nhựa bê tông phẳng lì, ngày đêm nối nhau những đoàn xe chở hàng qua nước bạn Lào và Thái Lan… Cũng như con đường về Lệ Thủy quê hương các bạn đã được trải nhựa tới tận các xóm nhỏ ở xã Thái Thủy heo hút… Liệu “các bạn” có nghe lời tôi nói không?...

Để có những đổi thay đó, trong cuộc chiến đấu của dân tộc hơn nửa thế kỷ qua, còn có biết bao nhiêu chiến sĩ TNXP, công nhân đã hy sinh một cách thầm lặng, biết bao nhiêu sự tích hầu như chưa được sách báo nào nhắc đến. Thì như anh Trần Xuân Cảnh, nếu tôi không tìm hỏi tên tuổi 8 liệt sĩ xã Thái Thủy, làm sao biết được, chính vào lúc xã nhận tin báo tử 8 TNXP C.757, anh Cảnh cùng 140 thanh niên 10 xã Tân Thủy, Dương Thủy, Mỹ Thủy, Thái Thủy, Sen Thủy, Mai Thủy, Phong Thủy, An Thủy, Hưng Thủy, Liên Thủy lên đường làm một nhiệm vụ thật là đặc biệt. 140 thanh niên ấy được tập trung ngày 13/9/1965 với phiên hiệu C.4, D.8, N.16, P.31, đến Mũi Viết của dòng sông Kiến Giang nhận 13 chiếc thuyền, chèo ngược dòng lên tập kết tại khe Chu Kiên - đầu mối đường 16 và gần suối nước nóng Bang. Từ đây, 13 chiếc thuyền trên vai hơn trăm thanh niên Lệ Thủy, vượt đỉnh Trường Sơn với vô số những đoạn dốc cheo leo, rồi thả xuống sông Xê-băng-hiêng, để chở hàng về Tà Khống!... Xin trích nguyên văn một đoạn thư của anh Trần Xuân Cảnh, người tiểu đội trưởng trong đội quân làm nhiệm vụ đặc biệt có lẽ cũng gần như kỳ tích kéo pháo vào Điện Biên:

“…Chúng tôi có câu ca: “Em ơi ở nhà lấy chồng đi / Anh qua Tà Khống mong chi ngày về!”  Thế hệ thanh niên Lệ Thủy hồi đó đã làm một việc xưa nay hiếm. Năm xưa, Hai Bà Trưng cưỡi voi đi đánh giặc, bây giờ thanh niên Lệ Thủy gánh thuyền đánh Mỹ xâm lăng. Việc làm đó đã trôi qua 49 năm nay, không ai hiểu được, không ai nhắc đến. Chỉ âm thầm trong ký ức của mỗi người C.4 góp phần  làm nên lịch sử thời đại chống Mỹ cứu nước…” ‘

Còn biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu sự tích 50 năm trước, 40 năm trước…tương tự như thế chưa mấy người biết. Một dân tộc có những người con như thế nên đã “đánh thắng hai đế quốc to” và nhất định không chịu khuất phục nếu như Tổ quốc lại phải đứng trước mưu đồ bá quyền của bọn “đế quốc mới”, bất kể chúng đến từ phương nào…