Tại Hội nghị "Tập huấn cung cấp thông tin về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cho các nhà hoạch định chính sách, đại biểu dân cử và đại diện các cơ quan quản lý, Ban, ngành, đoàn thể năm 2019" vừa diễn ra, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình một lần nữa cảnh báo về tính cấp thiết của vấn đề này.
Theo đó, dù đã có rất nhiều giải pháp để kiểm soát song mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn đang có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng. Hiện 55/63 tỉnh, thành của cả nước có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108 bé trai/100 bé gái, tức ở mức mất cân bằng. Tính bình quân cả nước, tỷ số giới tính hiện lên đến 114,8 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra.
Ngay tại Thủ đô Hà Nội, sau nhiều nỗ lực trong công tác dân số, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của thành phố đã giảm từ 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2015 xuống còn 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái trong 6 tháng đầu năm 2019.
Thế nhưng, ở nhiều vùng ngoại thành, chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức báo động, chẳng hạn: huyện Sóc Sơn lên tới 120 trẻ trai/100 trẻ gái, Quốc Oai là 117 trẻ trai/100 trẻ gái, huyện Mỹ Đức 115 trẻ trai/100 trẻ gái…
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ, đồng nghĩa với việc sẽ phải "nhập khẩu" cô dâu.
Về giải pháp, ông Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh, then chốt vẫn là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em gái, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động thay đổi nhận thức của con người, phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong xã hội, vận động nam giới tham gia bình đẳng giới.