1. Đánh giá công việc - định hướng nghề nghiệp của bản thân
Việc lựa chọn ngành nghề với chúng ta thật sự không phải là chuyện dễ dàng hay một sớm một chiều là có thể "chắc nịch" đúng, sai.
Còn nhớ thuở cấp 3 khi chuẩn bị chọn trường để thi đại học, chúng ta vẫn cứ loay hoay với câu hỏi "không biết mình thích học gì, làm gì, nghề đó ra sao, liệu có kiếm nhiều tiền không?" Đến khi tốt nghiệp đại học rồi ra trường, chúng ta lại xoay vòng với một loạt câu hỏi mới rằng "liệu mình có thành công không, liệu công việc ấy mình có thật sự đam mê, hay thôi chuyển nghề sớm khi còn có cơ hội?"
Và nay khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều người từ có việc bỗng chốc rơi vào cảnh thất nghiệp, từ một ông/bà chủ trong chớp mắt trắng tay hay mắc một đống nợ trên vai với tiền nhà, nhân công,... chồng chất. Đó sẽ lại là một lần nữa giúp bạn đặt tiếp cho mình loạt câu hỏi rằng "liệu công việc này có thật sự là ổn định, liệu năng lực của bạn đang ở mức nào, bạn đã đủ cố gắng chưa để có thể vực dậy và sống sót khi mọi thứ trở lại bình thường?..." nhưng với các lần trước một chỗ đó là bạn sẽ sớm có tất cả câu trả lời cho chính mình từ những gì đã trải qua trong suốt nhiều tháng qua.
2. Biết "khoản phí dự phòng" quan trọng thế nào
Ngày trước "vô lo vô nghĩ", tự tin với khả năng kiếm tiền của bản thân nên xả láng tiêu xài thì giờ đây, chính họ sẽ là những người nếm trải sự áp lực về tài chính nhiều nhất sau khủng hoảng.
Cụm từ "khoản phí dự phòng" hay "quỹ rủi ro" vốn đã được nhắc rất nhiều từ trước đó. Nó xuất hiện ra rả trong các quyển sách nói về sự thành công, sách học làm giàu hay trong cả những bí quyết sống của hàng hoạt người thành công nhưng có điều là không phải ai cũng quan tâm đến nó. Nhất là với người trẻ còn nhiều thú vui cá nhân, có thói quen tiêu xài thả ga nên hời hợt với khoản tích lũy thì sẽ vô cùng chật vật khi bất thình lình mất việc hoặc cắt giảm lương mà không có tiền tiết kiệm để trang trải.
Cũng có thể từ đây, nhiều người sẽ bớt nói câu "em chẳng có gì để mặc", "em muốn muốn sắm đồ hiệu", "em muốn đến những nơi xa xỉ".
3. Thói quen sinh hoạt ngày thường có quá nhiều thứ thừa thãi
24 tiếng ở trong nhà suốt 1 tháng là thời gian vô cùng quý báu để chúng ta chiêm nghiệm lại lịch sinh hoạt thường ngày có gì "bất thường" ví dụ như: ngủ quá nhiều, lười đi làm, không vận động, ăn uống không đúng giờ, tụ tập bạn bè quá nhiều trong 1 tuần, không có thời gian học hỏi - nâng cao kiến thức,... Nếu bạn là người nhận ra những điều này sớm thì rất có thể trong thời gian ở nhà tránh dịch đã có thể tự cải thiện bản thân, sắp xếp lại lịch sinh hoạt mới và làm quen luôn với nó.
4. Được "vận động" bây giờ cũng quý như đến phòng gym
Ở nhà ngồi làm việc suốt khiến hầu hết mọi người đều phát tướng trong đợt dịch này, bụng phệ, cơ thể uể oải hay mất năng lượng sẽ là vài biểu hiện cực kỳ cơ bản cho bạn thấy việc thiếu luyện tập thể dục thể thao có thể gây hại thế nào tới sức khỏe. Có thể chỉ cần vài bài tập vận động tay chân, cơ thể ở mức căn bản tại nhà cũng vô cùng giá trị chẳng kém gì khi bạn tới các phòng gym thường ngày.
5. Nhà quả thật là nơi bình yên nhất
Có thể bạn sẽ thấy hơi vô lý vì vốn dĩ nhà lúc nào chẳng là nơi để về? Ấy nhưng bạn quên mất rằng không phải ai cũng có thể cảm nhận được điều đó khi cuộc sống trước kia quá ồn ào, náo nhiệt, họ là tuýp người thích ở công ty và ngay cả chuyện ăn uống, hẹn hò cũng chỉ muốn kéo ra hàng quán cho đỡ phiền. Họ không thể tìm được mục đích hay nhu cầu rằng "phải ở nhà quá nhiều ngày trong 1 tuần là để làm gì?" trong khi ra ngoài có thể làm được nhiều việc hơn, mở rộng hơn nhiều mối quan hệ để sớm ngày thăng tiến.
Nhưng khi ở nhà quá nhiều chắc chắn ai cũng sẽ bắt đầu thay đổi để thích nghi với cuộc sống mới, tự tìm thú vui cho riêng mình và từ đó họ sẽ dần cảm thấy ngôi nhà có cảm giác thân thuộc, ấm cúng hơn.
6. Đã biết sẽ phải làm gì trong tương lai gần
Sau tất cả những điều trên thì dù ít hay nhiều, bạn cũng đã hiểu được phần nào về bản thân mình muốn gì và cần gì để sắp xếp lại kế hoạch cho tương lai. Còn với ai đã từng có kế hoạch thì chắc chắn sẽ phải thay đổi kha khá điều từ những trải nghiệm trong suốt gần 1 tháng vừa rồi. Có thể là điều chỉnh thời gian sinh hoạt, "add" thêm vài chục phút tập yoga tại nhà, bớt ăn hàng quán hay tụ tập bạn bè để tiết kiệm nhiều hơn, học thêm vài khóa online khi rảnh rỗi,... dù bé nhưng tất cả những điều đó hoàn toàn có thể góp phần làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn. Hay chí ít là tạo sự mới mẻ từ nếp sống cũ để có nhiều nguồn năng lượng tích cực đến với mình hơn.