Đã đi học, ai mà chẳng muốn mình đạt thành tích tốt, thi cử thuận lợi. Tuy nhiên, việc học không phải là thứ cứ bắt tay vào làm là sẽ đạt hiệu quả. Bởi vậy nên mới sinh ra khái niệm "học sinh giỏi", "học sinh kém". Độ chênh lệch giữa họ trên thực tế không chỉ biểu hiện ở mặt điểm số mà còn ở thái độ của người đó đối với học tập.
Về cơ bản, có 6 sự khác biệt tương đối giữa học sinh giỏi và học sinh kém:
1. Học sinh giỏi quen với việc tư duy chủ động
Năng lực tư duy chính là sức mạnh chiến đấu trong học tập. Thích tư duy tương đương với việc học sinh đã khám phá ra và nắm vững quy luật lớn nhất của việc học. Tư duy liên tục giúp kiến thức được khắc sâu hơn, điều này rất quan trọng với các bạn học sinh, nhất là các bạn ở độ tuổi trung học. Chỉ khi chịu tư duy sâu, chúng ta mới có thể nắm vững kiến thức của các môn học khác nhau.
Chúng ta thường thấy học sinh giỏi luôn ở trong trạng thái tư duy và suy ngẫm, họ đặt câu hỏi với mọi vấn đề và cố gắng tìm cách giải quyết ở nhiều khía cạnh. Trong khi đó, học sinh kém chỉ nhìn một mặt, ít khi phát hiện ra vấn đề, vì vậy việc học không được chuyên sâu.
2. Học sinh giỏi biết bản thân cần học gì
Học có mục đích là thứ quyết định hiệu quả của việc học. Học những thứ thiếu thực tế, không có mục tiêu không mang lại tác dụng gì, thậm chí vừa tốn thời gian vừa ảnh hưởng đến chất lượng học tập các môn khác.
Học sinh giỏi rất nhạy bén với kiến thức cần học. Họ luôn nắm bắt một cách nhanh chóng trọng tâm kiến thức để có thể trực tiếp đào sâu tìm hiểu, tập trung tạo ra những đột phá thay vì học chung chung, học mông lung.
3. Học sinh giỏi rất kiên trì
Người ta vẫn nói cần cù bù thông minh. Học sinh giỏi không phải ai sinh ra cũng đã giỏi mà nhiều người trong số họ vươn lên bằng cách không ngừng học tập. Chính sự kiên trì đã khiến một số học sinh trở nên xuất sắc, họ biến cố gắng thành thói quen và không biết đến 2 chữ "bỏ cuộc".
4. Học sinh giỏi có năng lực tự giác cao
Hiệu quả của việc hoàn thành yêu cầu do giáo viên đưa ra quyết định trình độ học tập của học sinh. Về vấn đề này, học sinh giỏi sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà không cần lý do, trong khi học sinh kém tìm mọi cách để không phải làm.
Những yêu cầu khắt khe học sinh giỏi đặt ra cho bản thân, ví dụ như mỗi tối phải học mấy tiếng, cuối tuần phải ôn mấy môn... khiến chất lượng học tập của họ được đảm bảo và thành tích học tập cũng tăng lên theo thời gian. Năng lực tự giác và khả năng thực thi chính là điểm số, đôi khi học sinh giỏi sẽ đưa ra những yêu cầu cao hơn để thử thách bản thân, điều này khiến họ càng trở nên xuất sắc.
5. Học sinh giỏi có khả năng tự nhìn nhận và tổng kết tốt hơn
Học tập là quá trình không ngừng học đi học lại những kiến thức cũ rồi tiếp cận và tìm hiểu những kiến thức mới. Nó giống như việc kéo xe vậy, nếu bạn chỉ cắm cúi kéo xe, bạn sẽ chẳng biết xe của mình sẽ đi về hướng nào. Thay vào đó, bạn cần ngẩng đầu nhìn đường.
Học sinh giỏi là những người có khả năng điều chỉnh kịp thời và vận dụng tốt năng lực tự nhìn nhận, tổng kết vấn đề. Điều này không có nghĩa là học sinh giỏi không gặp vấn đề như học sinh kém, tuy nhiên điều khác biệt ở đây là khi vấn đề phát sinh, học sinh giỏi biết cách giải quyết vấn đề và nỗ lực cải thiện để phát triển tốt hơn.
6. Khả năng tập trung của học sinh giỏi là vô địch
Người chăm học thì có rất nhiều nhưng đến cuối cùng vẫn chỉ có một số ít đạt thành tích nổi trội. Mấu chốt ở đây nằm ở sự tập trung.
Một số học sinh khó duy trì được sự tập trung lâu dài vào việc học, dẫn đến việc họ không có khả năng suy nghĩ sâu mà chỉ ở tầm nông, nỗ lực nhưng thiếu hiệu quả.
Nhìn chung, học tập không phải việc gì khó. Chỉ cần bạn chăm chỉ, kiên trì, là người yêu thích học tập và tìm ra được phương pháp học tập phù hợp thì con đường đạt thành tích tốt sẽ rộng mở với bạn.