Nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, bà Lesley Miller khuyến nghị, chúng ta nên tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể sau:
Trước hết, Việt Nam có thể giảm nhẹ các tác động do suy dinh dưỡng cấp tính nặng gây ra đối với tử vong và mức độ phát triển của trẻ em. Hiện nay, theo ước tính, 90% trong số 200.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng mỗi năm không được điều trị. UNICEF tin rằng, con đường hiệu quả và hiệu lực nhất để làm được điều này là thông qua sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, nhằm giúp Chính phủ đảm bảo những trẻ em dễ bị tổn thương nhất có thể tiếp cận được những sản phẩm dinh dưỡng và tạo điều kiện để nhân viên y tế cung cấp những sản phẩm này cho trẻ em ngay khi xác định trẻ bị suy dinh dưỡng. Vì quá trình sửa đổi luật có thể diễn ra trong thời gian dài, Chính phủ cần áp dụng các giải pháp tức thời như phân bổ nguồn lực (khoảng 13 triệu đô la Mỹ/năm) cho việc mua những sản phẩm dinh dưỡng này.
Thứ hai, cần đảm bảo trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, kịp thời và đầu tư nhiều hơn vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến cơ sở. Dựa trên các bằng chứng về dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu, nguy cơ bị phơi nhiễm với các bệnh có khả năng gây tử vong cao ở trẻ em ngày càng tăng. Hơn nữa, việc đầu tư nhiều hơn vào hệ thống y tế tuyến cơ sở sẽ giúp giảm phụ thuộc vào các loại thuốc đắt đỏ và hệ thống y tế tuyến trên.
Thứ ba, các chương trình trợ giúp xã hội cần được tăng cường, cùng với việc tăng thêm những khoản đầu tư thông minh. Bằng chứng quốc tế rất thuyết phục: an sinh xã hội làm giảm sự bất bình đẳng trong thu nhập, duy trì việc trẻ em đi học, đảm bảo sức khỏe tốt hơn, đưa người dân thoát khỏi cảnh nghèo và tạo ra lợi nhuận dương trong tăng trưởng kinh tế nói chung.
Thứ tư, cần tiếp tục phát huy những nỗ lực gần đây trong việc phòng, chống bạo lực trẻ em và tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em. Công tác phòng, chống xâm hại trẻ em bắt đầu từ việc thiết lập một mạng lưới các nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản ở cấp địa phương. Việc cải thiện công tác phối kết hợp, tập huấn và giám sát của các bộ, ngành và bên liên quan cũng sẽ giúp củng cố hệ thống hiện nay.
Thứ năm, xét đến thị trường lao động trong tương lai sẽ không ngừng biến đổi, trẻ em và thanh thiếu niên cần được chuẩn bị hành trang tốt hơn để gia nhập lực lượng lao động. Cần cải cách chương trình học và phương pháp sư phạm, tập trung vào các kỹ năng chuyển đổi, hiểu biết kỹ thuật số và các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) - đặc biệt cho trẻ em gái. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục phải tiếp tục thúc đẩy giáo dục hòa nhập cho mọi trẻ em và đầu tư xây dựng lực lượng chuyên gia được đào tạo bài bản về sức khỏe tâm thần, để trẻ em có thể học tập và phát triển trong môi trường học tập an toàn, lành mạnh và không bạo lực.
Thứ sáu, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của khủng hoảng khí hậu, trong đó nhóm trẻ em dễ bị thương nhất chịu tác động lớn hơn cả. Việc đầu tư vào ngành nước sạch và vệ sinh sao cho thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng các trường học và chương trình thông minh với khí hậu, dự phòng thiên tai và giảm nhẹ rủi ro thiên tai đều rất quan trọng.
Theo bà Lesley Miller, năm 2023, UNICEF sẽ hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện quyền trẻ em để đảm bảo không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Lấy nguyên tắc công bằng làm cốt lõi, UNICEF thúc đẩy đảm bảo tiếp cận cho những nhóm dân số thiệt thòi và yếu thế nhất, đặc biệt là nhóm dân tộc thiểu số. Đồng thời, tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các ban, ngành liên quan trong các lĩnh vực như sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng, tiếp cận nước sạch và vệ sinh, giáo dục, bảo vệ và trợ giúp xã hội cho trẻ em. Trong bối cảnh các tác động và thảm họa liên quan đến khí hậu ngày càng gia tăng, UNICEF cũng sẽ thúc đẩy các dịch vụ xã hội nhạy cảm với trẻ em và thích ứng với khí hậu, tăng cường năng lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó sao cho hiệu quả…