Theo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, khoảng 0 giờ 15 ngày 26/12, khoa Cấp cứu tiếp nhận 6 trường hợp bệnh nhân nguy kịch vì ngộ độc cá nóc.
Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tím tái, nôn ói, tê cứng tay chân và không nói chuyện được. Trong đó, 2 trường hợp đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở.
Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được y bác sĩ khoa Cấp cứu điều trị tích cực như đặt nội khí quản, thở máy và các thuốc hỗ trợ khác. Sau đó, 6 bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Trần Quang Đạt (Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc) cho biết, 2 bệnh nhân đang tiếp tục thở máy, tiên lượng rất nặng, 4 bệnh nhân còn lại tạm thời vượt qua cơn nguy kịch nhưng cần theo dõi sát vì vẫn có nguy cơ diễn biến nặng.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), độc tố có trong cá nóc là tetrodotoxin và tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu của cá. Độc tố này tăng mạnh vào mùa cá sinh sản. Chỉ cần ăn khoảng 10g thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc, trường hợp nặng gây liệt toàn thân, da tím tái, trụy tim.
Ngộ độc cá nóc hiện vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu (antidote) mà điều trị chủ yếu là các biện pháp hỗ trợ tích cực và tiên lượng tử vong cao. Vì vậy, bác sĩ Đạt khuyến cáo khuyến cáo người dân không nên chế biến và ăn cá nóc dưới bất kỳ hình thức nào. Trong trường hợp có dấu hiệu ngộ độc khi ăn phải cá nóc như trên cần phải đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Tối 25/12, sau chuyến đi biển trở về, ông Đồng Trinh Hoa (Sinh năm 1972, thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) tổ chức ăn tối tại gia đình, trong bữa ăn có món cá nóc mú do các ngư dân đi biển đánh bắt được.
Sau khi ăn xong, ông Hoa cùng 5 người khác có triệu chứng ngộ độc nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam vào rạng sáng 26/12.