Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

6 tháng đầu năm xuất khẩu giảm, áp lực tăng tốc nửa cuối năm

(Dân sinh) - Nửa đầu năm 2023, so với các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia chỉ giảm từ 2,3%.- 6%, thì xuất khẩu (XK) của Việt Nam giảm sâu hơn, giảm đến 12,1% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

XK sang tất cả các thị trường lớn đều giảm

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, 6 tháng qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa mới đạt 316,6 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó XK giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%. Xuất, nhập khẩu đều giảm ở cả khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước và khu vực FDI.

Nửa đầu năm 2023, XK hàng hóa sang tất cả các thị trường lớn đều giảm. Trong đó, XK sang Mỹ đạt 44,2 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ, Trung Quốc đạt 25,6 tỷ USD, giảm 2,2%, XK sang EU đạt 21,6 tỷ USD, giảm 10,1%, sang Nhật Bản đạt 11 tỷ USD, giảm 3,3%, sang Asean đạt 16,3 tỷ USD, giảm 8,7%, Hàn Quốc 10,9 tỷ USD, giảm 10,2%, 

Những khó khăn về suy giảm sản xuất, XK, thị trường phục hồi chậm, theo Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng, do kinh tế thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại trong nước. Các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam như đầu tư, XK và tiêu dùng trong nước gặp nhiều thách thức.

Còn ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp lo lắng: "Sản xuất trong nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do xu thế thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như EU, Mỹ, từ đó ảnh hưởng mạnh đến đơn hàng của các ngành XK chủ lực. Kim ngạch XK của Việt Nam so với cùng kỳ giảm sâu hơn so với một số nước trong khu vực ASEAN (tính đến hết tháng 5/2023, XK của Việt Nam giảm 12,25% so với cùng kỳ, trong khi Thái Lan giảm 5,1%, Indonesia giảm 6%, Malaysia giảm 2,3%... )".

"Đáng chú ý, quy mô XK của Malaysi và Thái Lan trong năm 2022 đều thấp hơn Việt Nam. Trong đó, Malaysia XK khoảng 353 tỷ USD, còn Thái Lan XK 287,7 tỷ USD, Indonesia gần 280 tỷ USD”, ông Hòa nhấn mạnh thêm.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ phân tích thêm, dù XK giảm theo tình hình chung, nhưng Mỹ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam.

Trong khối các nước ASEAN, Việt Nam chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch XK của khối (Thái Lan đứng thứ 2 với kim ngạch XK 18,3 tỷ USD). 6 tháng qua, XK sang Mỹ đạt 44,2 tỷ USD, giảm 22,6%.

"Qua số liệu thống kê, các nhóm hàng XK của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hoặc suy giảm tương ứng với các nhóm hàng mà Mỹ giảm nhập khẩu trong những tháng đầu năm 2023. Trong 10 nhóm hàng XK lớn nhất mà Việt Nam xuất sang Mỹ, có 6/10 nhóm hàng đạt tỷ trọng lớn từ 10% đến 27% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ”, do đó ông Hưng nhận định, những yếu tố trên cho thấy về dài hạn Việt Nam tiếp tục là đối tác tin cậy của Mỹ.

Hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao là khá nặng nề

Dự báo tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro..., những yếu tố này khiến sản xuất, XK trong nước chưa hết khó. Do đó, kết quả phát triển thời gian tới phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường XK, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA, xử lý các rủi ro gắn với cạnh tranh thương mại với các nước lớn, ứng phó với các chính sách quốc tế có tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực như việc áp dụng thuế DN tối thiểu toàn cầu...

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: "Để hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao là khá nặng nề".

Ông Diên nhấn mạnh, phải tập trung giải quyết các vướng mắc về vốn, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính (như kiến nghị của các địa phương với các Đoàn công tác của Chính phủ) nhằm hỗ trợ DN phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tốt các chuỗi cung ứng và đẩy mạnh XK.

Để khắc phục tình trạng sụt giảm đơn hàng, thúc đẩy XK, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất, cần khẩn trương triển khai các chính sách tài khóa tiền tệ, cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.

"Hiện, nhiều thị trường XK lớn của nước ta như EU, Mỹ...  chưa phục hồi, Bộ khuyến cáo DN ưu tiên chuyển hướng khai thác các thị trường mới nổi, thị trường có tiềm năng (như các nước Trung Đông, Châu Phi, châu Mỹ La tinh, Nam Á…)", ông Diên nhấn mạnh.

Cùng đó là tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; thúc đẩy thương mại điện tử, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới và đẩy mạnh XK chính ngạch; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp khai thác ưu đãi của các FTA mà Việt Nam là thành viên.

Ông Diên khẳng định, để mở rộng và đa dạng hóa thị trường XK, sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các FTA mới với các nước, khu vực còn tiềm năng, như Israel, và sớm kết thúc đàm phán trong quý 4/2023 với UEA, Mercosur…

Ngoài ra, hỗ trợ DN trong nước kết nối, tham gia chuỗi cung ứng của các DN FDI để XK qua hệ thống phân phối của các chuỗi cung ứng này ra thị trường thế giới.

Được biết, năm ngoái, XK cả nước đạt trên 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với 2021, mục tiêu XK đặt ra cho cả năm nay ở mức 6%, tuy nhiên mức tăng trưởng này ngày càng “gập ghềnh” hơn vì tình hình thị trường không thuận lợi.