Ông Youssouf Abdel-Jelil, Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho hay: Xung đột, khủng hoảng, đói nghèo cùng cực đã gây nguy hại cho cuộc sống của hàng triệu trẻ em và tương lai của các em. Bảo vệ quyền trẻ em hơn lúc nào hết là một việc làm cấp thiết và là yếu tố then chốt để xây dựng xã hội mạnh mẽ hơn, ổn định hơn. “Chúng ta cần phải ngăn chặn những vi phạm này bằng cách đầu tư nhiều hơn nữa để đến được với những trẻ em thiệt thòi nhất, hoặc sẽ phải trả giá cho việc phát triển chậm hơn, bất công bằng nhiều hơn và ít ổn định hơn”, Ông Youssouf Abdel-Jelil nhấn mạnh.
Mọi trẻ em đều có quyền được vui chơi.
Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể cho trẻ em trên toàn thế giới trong những thập kỷ qua, nhưng vẫn còn gần 6 triệu trẻ em bị tử vong hàng năm vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được – và trẻ em ở các hộ gia đình nghèo có nguy cơ bị tử vong trước khi tròn năm tuổi cao hơn gấp hai lần so với trẻ em ở các gia đình khá giả.
Gần 50 triệu trẻ em bị di chuyển khỏi nơi cư trú, trong đó 28 triệu em là do xung đột. Nhiều trẻ em bị mắc kẹt trong vùng bị bao vây: Syria, Iraq và bắc Nigiêri. Các em có nguy cơ lớn hơn bị vị phạm quyền trẻ em, khi mà trường học, bệnh viện, nhà ở đều bị tấn công. Trên toàn thế giới, khoảng 250 triệu trẻ em sống ở các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Gần 385 triệu trẻ em sống trong cảnh nghèo khó cùng cực và hơn 250 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học không được tới trường. Gần 300 triệu trẻ em sống ở vùng có không khí ngoài trời bị nhiễm độc nặng nề - cao gấp 6 lần hoặc nhiều hơn tiêu chuẩn quốc tế.
Tháng 12/2016, UNICEF sẽ kỷ niệm 70 năm hoạt động nhằm hỗ trợ cứu sống trẻ em, mang đến những hỗ trợ dài hạn và hy vọng cho trẻ em mà cuộc sống cũng như tương lại đang bị đe dọa bởi xung đột, khủng hoảng, đói nghèo, bất bình đẳng và kỳ thị. Ông Youssouf Abdel-Jelil cho biết: “Mọi trẻ em đều có quyền được lớn lên khỏe mạnh, được giáo dục, được bảo vệ và được có cơ hội công bằng cho cuộc sống. Cam kết thực hiện quyền trẻ em của chúng ta phải được thể hiện bằng hành động cho mọi trẻ em”.
Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực và là nước thứ 2 trên Thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em vào năm 1990. Là một văn bản pháp lý về quyền con người được phê chuẩn nhanh chóng và rộng rãi nhất, Công ước đưa ra những tiêu chuẩn cơ bản mang tính toàn cầu về một tuổi thơ tốt đẹp, mạnh khỏe và được bảo vệ. Từ khi phê chuẩn Công ước, cuộc sống của hàng triệu trẻ em Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực giáo dục, giảm đói nghèo và tử vong ở bà mẹ và trẻ em.
Tuy nhiên, trẻ em dân tộc thiểu số có khả năng không được thực hiện quyền nhiều gấp hai lần so với trẻ em dân tộc Kinh. Tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tảo hôn, không được đi học và không được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh cao hơn rất nhiều ở nhóm trẻ em dân tộc thiểu số.
Việt Nam ban hành Luật Trẻ em gần đây là một bước đột phá trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực bằng cách lần đầu tiên đưa ra một cơ chế nhằm ngăn chặn và giải quyết bạo lực. Tuy nhiên, Luật trẻ em vẫn quy định trẻ em là những người dưới 16 tuổi, chưa phù hợp với độ tuổi quy định trong Công ước là 18 tuổi, điều này đã làm hạn chế sự bảo vệ cho nhóm trẻ em từ 16-18 tuổi.