Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021): Còn đó những nỗi đau

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, song hàng triệu người dân Việt Nam vẫn hàng ngày phải sống cùng những di chứng, hậu quả của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng tại Việt Nam. Đồng hành, sẻ chia với các nạn nhân da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã triển khai các hoạt động hỗ thiết thực giúp họ vơi bớt nỗi đau. Báo điện tử Dân sinh đã có cuộc trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch VAVA xung quanh vấn đề này.

60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021): Còn đó những nỗi đau - Ảnh 1.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch VAVA.

* Hậu quả của chất độc da cam/dioxin mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh đã ảnh hưởng như thế nào đến đời sống người dân Việt Nam thưa ông?

- Ngày 10/8/1961, vụ phun rải chất độc hóa học đầu tiên được máy bay Mỹ tiến hành dọc theo Quốc lộ 14 từ thị xã Kon Tum lên Đắk Tô, mở đầu chiến dịch phun rải chất độc hóa học kéo dài 10 năm, gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam.

Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã phun rải xuống miền Nam Việt Nam khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học; trong đó 61% là chất độc da cam, chứa 366kg dioxin - chất độc nhất mà con người từng biết đến, làm cho hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân.

Chất độc da cam/dioxin đã làm nhiều gia đình nạn nhân không còn duy trì được nòi giống; nhiều phụ nữ không có được hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Hàng vạn trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật. Hàng trăm nghìn người phải vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, chết dần chết mòn, đau đớn vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam.

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có hàng trăm ngàn nạn nhân chất độc da cam; ngoài số nạn nhân là người trực tiếp tham gia kháng chiến, bị phơi nhiễm chất độc hóa học, còn khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; hơn 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và đã có nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4; nhiều gia đình có 3 thế hệ là nạn nhân; phần lớn nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ phải sống trong đau khổ, bệnh tật, đói nghèo. Có thể nói, nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất, đau khổ nhất.

* Trong những năm qua, chúng ta đã tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Hiệu quả của cuộc đấu tranh đối với các nạn nhân da cam như thế nào, thưa ông?

- Cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được tiến hành dưới nhiều hình thức: Đấu tranh ngoại giao trực tiếp với phía Mỹ; đấu tranh pháp lý với phía Mỹ và vận động chính phủ và nhân dân các nước, trong đó có nhân dân Mỹ lên tiếng và có hành động yêu cầu Chính phủ Mỹ phải thực hiện nghĩa vụ tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, yêu cầu các công ty hóa chất của Mỹ phải có hình thức bồi thường thiệt hại cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Cùng với thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước, cuộc đấu tranh đó đã mang lại những kết quả đáng kể trong việc phối hợp của Mỹ với Việt Nam giải quyết hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam. Chính quyền Mỹ đã tham gia ngày càng nhiều vào việc khắc phục hậu quả. Từ năm 2007 đến nay, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt cho Chính phủ Mỹ 390 triệu USD để thực hiện các dự án tẩy độc dioxin và hỗ trợ những người bị nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam. Với khoản ngân sách đó, Chính phủ Mỹ đã phối hợp với Việt Nam hoàn thành tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng, bắt đầu chương trình tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hòa, thực hiện chương trình 21 triệu USD hỗ trợ những người bị nhiễm chất độc hóa học ở 6 tỉnh bị phun rải nhiều chất độc da cam trong chiến tranh: Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước (giai đoạn 2016 - 2020) và đang chuẩn bị thực hiện tiếp chương trình 65 triệu USD hỗ trợ người khuyết tật, người bị nhiễm chất độc da cam ở 6 tỉnh trên và 2 tỉnh Quảng Trị, Kon Tum (giai đoạn 2021- 2025).

* Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam như thế nào?

- Tiến hành các vụ kiện các công ty hóa chất của Mỹ, tức là đấu tranh pháp lý với phía Mỹ là một nội dung của cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Chúng ta sẽ kiên trì cuộc đấu tranh đòi các công ty hóa chất Mỹ phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Thực hiện chủ trương đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu tổ chức các vụ kiện các công ty hóa chất của Mỹ đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, yêu cầu các công ty hóa chất của Mỹ phải có hình thức bồi thường thiệt hại cho nhân dân Việt Nam. Chúng ta cũng sẽ ủng hộ những người bị nhiễm chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam kiện các công ty hóa chất của Mỹ đòi bồi thường thiệt hại, như trường hợp bà Trần Tố Nga, Việt kiều hiện đang sống tại Pháp.

* Để giảm bớt những khó khăn cho các nạn nhân chất độc da cam, Hội đã triển khai các hoạt động hỗ trợ như thế nào, thưa ông?

- Từ khi thành lập (10/1/2004) đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã nỗ lực, đoàn kết vượt qua khó khăn, làm tròn nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao về chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Các cấp Hội đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể… đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh. Hội đã tăng cường tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên, nạn nhân vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách đối với nạn nhân; tham mưu đề xuất và vận động các nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Hội đã vận động Quỹ Nạn nhân chất độc da cam được hơn 2.620 tỷ đồng, số tiền đó đã chi làm nhà, hỗ trợ vốn, sinh kế; trao học bổng; xây dựng các trung tâm xông hơi giải độc, phục hồi sức khỏe, trợ cấp khó khăn; thăm, tặng quà cho nạn nhân, gia đình nạn nhân nhân ngày lễ, tết, Ngày 10/8 hằng năm.Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, việc thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam" đã tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động "Vì nạn nhân chất độc da cam" và khắc phục hậu quả chất độc hóa học. Phong trào "Hành động vì Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, được sự hưởng ứng tích cực của các cấp hội, hội viên và toàn xã hội, ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội, đã khơi dậy và phát huy tình cảm, trách nhiệm của cộng đồng, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.

* Xin ông cho biết một số hoạt động trọng tâm trong dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam tại Việt Nam?

- Trong dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam tại Việt Nam, các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nước và quốc tế về hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đối với sức khoẻ con người và môi trường; những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, nhân dân và cả hệ thống chính trị của Việt Nam trong công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hoá học; sự hỗ trợ giúp đỡ trong nước, quốc tế đối với việc khắc phục hậu quả chất độc hoá học và cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

* Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng.