Theo Ban Tổ chức, trong 10 năm (1961-1971) tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở miền Nam Việt Nam, để che giấu dư luận, quân đội Mỹ đã gọi các chất độc hóa học phun rải xuống các cánh rừng, làng mạc… là những “chất diệt cỏ cầu vồng”, được đánh dấu trên thùng chứa bằng các màu khác nhau, trong đó chất độc da cam/dioxin là chất độc hại nhất.
Những “mảnh cầu vồng” chết chóc đó đã gây hậu quả thảm khốc về môi trường và sức khỏe con người, làm hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân, với những di chứng nặng nề và nỗi đau dai dẳng qua nhiều thế hệ.
Phát biểu khai mạc chương trình, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khẳng định, chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm nhưng hậu quả của chất độc hóa học/dioxin gây ra còn lâu dài, đời sống của nạn nhân, gia đình nạn nhân còn rất khó khăn.
Nhận thức sâu sắc về hậu quả của chất độc hóa học đối với môi trường và sức khỏe con người, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chủ trương chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam.
Hằng năm, Nhà nước đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng để hỗ trợ, thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con, cháu của họ bị di chứng chất độc da cam. Tuy nhiên, cuộc sống của nạn nhân và gia đình họ còn nhiều khó khăn, vất vả, rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
Thượng tướng nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể chính trị- xã hội và toàn dân, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, quan tâm, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần, để nạn nhân chất độc da cam vơi bớt nỗi đau, từng bước ổn định cuốc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Tôi kêu gọi Chính phủ, nhân dân Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc hóa học, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hồi sinh từ mảnh cầu vồng” đã diễn ra với 3 nội dung: Hồi sinh những vùng đất, các tiết mục văn nghệ đặc sắc và hồi sinh sự sống con người.
Thông qua các phóng sự, giao lưu với các nhân vật trong nước và quốc tế có đóng góp tích cực trong khắc phục hậu quả chất độc da cam, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; đan xen các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, chương trình đã góp phần tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về hậu quả nặng nề của chất độc hoá học trong chiến tranh ở Việt Nam.
Đặc biệt, chương trình cũng biểu dương những tấm gương nạn nhân chất độc cam đã vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã, hồi sinh từ chính nỗi đau, bệnh tật để sống, hòa nhập cộng đồng và đã tỏa sáng bằng nỗ lực và khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Ban Tổ chức cũng tôn vinh, tri ân các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, những “tấm lòng vàng”… đã đồng hành chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
Tại chương trình, nhiều tập thể, cá nhân đã ủng hộ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ban Tổ chức cũng kêu gọi các đại biểu và khán giả truyền hình hưởng ứng nhắn tin từ thiện “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam năm 2022” với cú pháp: DA CAM gửi 1409 (mỗi tin nhắn trị giá 20 nghìn đồng) và ủng hộ nạn nhân qua ứng dụng App VAVA PLUS của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.