Trong đó có gần 12 triệu người cao tuổi; 6,2 triệu người khuyết tật, hàng triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khoảng 5,2% hộ nghèo, 4,15% hộ cận nghèo; trên 3,2 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm. Ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.
Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), đến nay, 63 tỉnh, thành phố có cung cấp dịch vụ CTXH. Các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH đã được hình thành nhiều nhất ở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tiếp theo là ở các ngành Y tế, Giáo dục, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội… Cụ thể, có 425 cơ sở trợ giúp xã hội; 34 trung tâm Điều dưỡng người có công, còn lại là của các tổ chức xã hội; 120 cơ sở cai nghiện và hàng trăm cơ sở dịch vụ việc làm; hầu hết Bệnh viện tuyến Trung ương, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh có cung cấp dịch vụ CTXH cho bệnh nhân và cơ sở giáo dục-đào tạo có cung cấp dịch vụ CTXH; hội, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đều có cung cấp dịch vụ CTXH đối với các nhóm yếu thế, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội. Trong đó, có nhiều mô hình trung tâm CTXH đã vận hành rất hiệu quả, như Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre, Long An, Thanh Hóa, Hồ Chí Minh…
“Dịch vụ CTXH là hoạt động chuyên nghiệp CTXH cung cấp các hoạt động hỗ trợ về tinh thần hay vật chất cho những người có hoàn cảnh khó khăn như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già…; hoặc những người có nhu cầu hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội, trợ giúp pháp lý nhằm giảm thiểu những rào cản, những bất công và đảm bảo bình đẳng trong xã hội” (Đỗ Thị Ngọc Phương – 2012, Một số kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với việc phát triển dịch vụ CTXH trong công tác bảo vệ trẻ em, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội).
Các tỉnh, thành phố trong cả nước từng bước chuyển đổi hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên cơ sở bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở.
Để cung cấp các dịch vụ CTXH có hiệu quả, các quốc gia đều quan tâm đến việc xây dựng thể chế chính sách, tổ chức và tài chính phù hợp với quá trình phát triển. Về thể chế tổ chức, cần xây dựng một mạng lưới sử dụng nhân viên CTXH được đào tạo bài bản từ các trường chuyên nghiệp từ cấp trung ương đến cộng đồng. Đến nay, đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm CTXH nước ta có khoảng 235 nghìn người, trong đó có 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng… tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH trợ giúp các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng, góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Có thể thấy rằng, CTXH có ý nghĩa to lớn, là một trong những nhân tố quyết định sự thành công trong việc bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững. Chính vì thế, cần chú trọng tới công tác tuyên truyền về vai trò của dịch vụ CTXH đến tận người dân để họ biết và sử dụng dịch vụ. Đồng thời kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cần sớm ban hành các văn bản pháp lý có hiệu lực cao tạo cơ hội cho nghề CTXH phát triển mạnh, đồng bộ và đều khắp ở tất cả các lĩnh vực liên quan, các ngành, chính quyền địa phương và dịch vụ cộng đồng phục vụ cho gia đình, người yếu thế trong xã hội.