Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

7 dấu hiệu bạn đang kiệt sức trong công việc

Kiệt sức về tinh thần là khái niệm đã được nhắc đến từ những năm 70, mô tả hậu quả của việc căng thẳng liên tục trong công việc. Trạng thái này rất hay dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng tiêu cực khác. Theo đó, bạn có thể đổ lỗi cho một dự án kém may mắn hay một cấp trên tồi tệ nhưng sự thật là do chính bản thân đang bị kiệt sức. Sau đây là 7 dấu hiệu cho thấy bạn đang trong trạng thái căng thẳng tinh thần nghiêm trọng và đang đi đến kiệt sức.

1. Bạn cay cú quá mức

Dạo gần đây bạn khó chịu và cay cú với những người xung quanh hơn lúc trước? Ngay cả với những người "chí cốt", bạn cũng trở nên cau có dù họ vẫn đối xử tốt với bạn? Nếu những điều này thực sự đang diễn ra, bạn cần xem lại những lý do nào đang khiến bạn mất kiểm soát bản thân, cảm thấy ngờ vực một cách thái quá.

2. Bạn muốn bỏ chạy thật xa

Bạn đang có khao khát được buông bỏ tất cả và đặt vé một chiều đến hòn đảo tươi đẹp xa xôi nào đó? Bạn muốn rời khỏi cuộc sống nặng nề hiện tại mà đi đến một vùng quê yên bình để trồng rau, đọc sách sớm chiều? Theo các chuyên gia, những cám dỗ này là triệu chứng của việc bạn đang kiệt sức về tinh thần trong công việc. Tâm lý muốn tránh xa cuộc sống thực tại chính là phản ứng của tinh thần khi bạn lao vào công việc quá nhiều với hy vọng sai lầm rằng nó sẽ giúp bạn nhanh thành công hơn.

3. Bạn bấn loạn ngay cả với những việc đơn giản

Bạn liên tục gặp sự cố trong thời gian gần đây, từ việc quên các ngày kỷ niệm của bản thân đến quên lịch họp buổi sáng. Bạn thường xuyên mất tập trung ngay cả với những điều đơn giản nhất. Đó chính là dấu hiệu của kiệt sức tinh thần. Theo các nhà nghiên cứu Hà Lan, nếu bạn đang trải qua một giai đoạn khó khăn để ghi nhớ và không thể tập trung vào các nhiệm vụ hàng ngày thì rõ ràng là bạn đang stress cao độ.

4. Bạn luôn mệt mỏi
 


Bạn có thích được ngủ hơn thức dậy sớm dù là một buổi sáng thứ Bảy tươi đẹp? Cảm thấy uể oải kéo dài và chỉ muốn ngủ khi có thể. Đây là một dấu hiệu kinh điển của việc bạn quá mệt mỏi và không muốn làm gì khác ngoài chuyện ngủ. Theo các chuyên gia, luôn cảm thấy mệt mỏi là dấu hiệu cho thấy bạn đang mất kiểm soát trong công việc.

5. Bạn luôn bất mãn

Bạn có còn sáng suốt tại chỗ làm của mình không? Bạn đi xung quanh và tuyên bố rằng sếp của mình là người chèn ép bạn và đồng nghiệp là những người nham hiểm. Cũng có khi những gì bạn đánh giá là thật. Tuy nhiên, theo Hiệp hội khoa học tâm lý (Mỹ), tâm lý đổ lỗi như thế cũng có thể chỉ là triệu chứng của việc bạn đang bị quá tải trong công việc.

6. Bạn nghi ngờ chính mình

Bạn đang làm việc chăm chỉ để tạo nên thành tựu trong lĩnh vực mà bạn chọn. Nhưng giờ bạn lại tự hỏi những gì mình đã làm liệu đã đi đến đâu. Cảm giác mất tự tin và tự hạ thấp thành công của bản thân chính là dấu hiệu kinh điển của vấn đề làm việc quá sức. Khi bước vào trạng thái này, tâm trí của bạn bắt đầu thách thức lại chính bạn như một cách để xử lý những kỳ vọng mà bạn đặt ra cho công việc của mình.

7. Bạn bị bệnh liên tục

Bạn cứ đau đầu mãi không dứt? Không chỉ đau đầu, nếu bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân cụ thể cho một chứng bệnh dai dẳng của bạn thì đó là lúc bạn cần xem lại lịch làm việc của mình. Thực tế, khoa học đã tìm ra rất nhiều mối liên hệ giữa những vấn đề về thể chất với các trạng thái tiêu cực về tinh thần. Đôi khi, công việc quá căng thẳng có thể gây tổn hại sức khỏe rõ rệt. Một số nghiên cứu còn cho rằng, việc kiệt sức nặng về tinh thần sẽ gây suy giảm nhanh về thể chất, dẫn đến một số vấn đề thường gặp về tim và cảm cúm.

Nếu bạn có bất kỳ biểu hiện nào trong bảy dấu hiệu này thì bạn cũng cần tham khảo những gợi ý sau để sớm phục hồi tinh thần và làm việc hiệu quả hơn:
 


- Chủ động đặt lịch hẹn với những người bạn hay cười, những người luôn có tinh thần lạc quan. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ bớt lại một chút thời gian làm việc. Nhưng lựa chọn này hoàn toàn xứng đáng.

- Đặt lịch đi spa hoặc mua vé tham dự một chương trình mà bạn cảm thấy thích thú. Đã đến lúc bạn cần tự thưởng cho bản thân sau những giờ phút miệt mài cống hiến.

- Sớm chia sẻ những vấn đề của bạn với cấp trên. Một cuộc đối thoại thẳng thắn, không phải là đối đầu, sẽ rất cần thiết khi bạn bắt đầu cảm thấy tiêu cực. Sau khi chia sẻ, tinh thần của bạn sẽ thoải mái hơn.

- Sắp xếp lại các mục tiêu trong công việc để tiếp thêm sinh lực cho chính mình.

- Đảm nhận trách nhiệm mới trong cùng lĩnh vực bạn đang làm để thấy gắn bó hơn. Tham gia vào một tổ chức có liên quan đến khía cạnh công việc của mình mà bạn muốn có thêm kinh nghiệm.

- Đặt một kỳ nghỉ. Không phải nghỉ phép chỉ vì muốn đi chơi. Bạn phải xem đó như một phần trong liệu trình điều trị do bác sĩ chỉ định.

TheoViễn Thông (Vnexpress.net/Time)