Theo Zing.vn, người phát ngôn cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các đối tượng liên quan đến vụ đào tẩu của Carlos Ghosn, cựu chủ tịch tập đoàn Nissan, trốn khỏi Nhật Bản đã bị bắt giữ vào ngày 2/1. Nhóm đối tượng gồm 2 nhân viên mặt đất tại sân bay, một nhân viên phụ trách hành lý, và 4 phi công.
Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu điều tra về vai trò của Istanbul trong cuộc đào tẩu ly kỳ của cựu chủ tịch Nissan. Ông trốn khỏi Nhật Bản, đi qua thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ trước khi đến Lebanon.
Những người am hiểu vấn đề nói rằng máy bay chở Ghosn, một trong những giám đốc điều hành nổi tiếng nhất thế giới, đến sân bay Ataturk rạng sáng 30/12. Dữ liệu theo dõi chuyến bay từ thời điểm đó cho thấy Ghosn đã sử dụng hai máy bay để vào Istanbul và sau đó tới Lebanon.
Ngày 31/12, Ghosn tuyên bố đã đến Beirut, trốn khỏi hệ thống tư pháp "bị giật dây". Một số người quen của ông tiết lộ doanh nhân nổi tiếng đến được Lebanon một ngày trước đó bằng máy bay riêng.
Dẫn nguồn tin Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, Hurriyet tiết lộ cảnh sát biên giới nước này không được báo trước về sự xuất hiện của Carlos Ghosn tại Istanbul. Thông tin ông Ghosn đến hoặc rời thành phố đều không được ghi nhận.
Ông được đưa khỏi Tokyo bởi một hãng an ninh tư nhân vài ngày trước. Thông tin ban đầu cho thấy kế hoạch được chuẩn bị hơn 3 tháng qua. Truyền thông địa phương cho biết máy bay của Carlos Ghosn đến sân bay Ataturk ở Istanbul vào 5h30 ngày 30/12/2019.
Ông có quốc tịch Pháp, Lebanon và Brazil. Trong thời gian tại ngoại chờ xét xử, giới chức Nhật Bản cho ông Ghosn mang một hộ chiếu Pháp để trong hộp kín, theo NHK.
Cựu chủ tịch tập đoàn ôtô Nissan bị bắt tại Tokyo vào tháng 11/2018 và phải đối mặt với 4 cáo buộc, bao gồm che giấu thu nhập và tư lợi thông qua các khoản thanh toán cho đại lý ở Trung Đông. Nissan đã sa thải ông. Ghosn phủ nhận toàn bộ cáo buộc.
Theo điều khoản tại ngoại, Ghosn bị quản thúc tại gia ở Tokyo và phải lắp đặt camera theo dõi ở lối vào. Ông không được giao tiếp với vợ, bị hạn chế sử dụng internet và các phương thức liên lạc khác.