Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đến 17 giờ ngày 29/7, bão Mirinae làm 3 người chết ở Hà Nội, Hà Nam và Hà Giang, 4 người mất tích. Hà Nội là địa phương có nhiều người bị thương nhất với 9 trên tổng số 21 người.
Cơn bão còn khiến 30 nhà bị đổ sập hoàn toàn, 25.000 nhà tốc mái hư hỏng; 67 tàu, thuyền bị chìm, 17.000 cột điện bị gãy đổ.
Theo Vụ quản lý công trình thủy lợi các địa phương, diện tích lúa bị ngập đã giảm hơn 70.000 ha, so với ngày 28/7, còn hơn 150.000 ha. Ngoài ra, có tới 61.000 ha rau màu bị hư hại, 39.000 ha cây trồng lâu năm và cây ăn quả bị gãy đổ, 44.000 ha cây xanh bị đổ gãy.
Bão Mirinae đã quật độ nhiều gốc cây lớn ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.
Do ảnh hưởng của bão, 66.000 gia súc gia cầm bị chết và cuốn trôi; 11.000 ha và 242 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 9.000 mét khối đất đá bị sạt lở.
Các địa phương nằm trong tâm bão và khu vực bị ảnh hưởng đang tập trung lực lượng khắc phục hậu quả, trong đó ưu tiên số một là sự cố điện. Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam, đến chiều 29/7, lưới điện từ 110kV trở lên đã vận hành ổn định.
Về lưới điện phân phối, EVN khắc phục xong lưới điện của thành phố Hải Phòng, cấp điện ổn định cho khu vực trung tâm các huyện thị của Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. 230/290 tuyến dây trung áp bị sự cố; các trạm bơm tiêu úng lớn ở các địa phương đã được cấp điện.
Tại Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội đã giải tỏa gần 400 cây đổ, gần 500 cành gẫy. Trong đó toàn bộ cây có đường kính lớn, cây nguy cơ ảnh hưởng tính mạng, tài sản của nhân dân, cản trở giao thông đã thực hiện xong. Dự kiến hết ngày 30/7, đơn vị sẽ giải tỏa xong toàn bộ số cây đổ.
Bão Mirinae hình thành từ vùng áp thấp lúc 10h sáng 26/7. Đêm 27/7, bão đổ bộ vào khu vực Thái Bình - Ninh Bình, ảnh hưởng trực tiếp từ nam Quảng Ninh đến bắc Thanh Hóa. Mirinea có quy luật khác thường khi vào đất liền di chuyển chậm, có thời điểm hầu như không di chuyển và giữ nguyên cường độ suốt đêm, gây thiệt hại lớn.