1 người chết, 7 người ngộ độc nặng do ăn trứng cóc trong một gia đình
Đây là một câu chuyện đau lòng vào những ngày cuối cùng của năm cũ. Theo đó, Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp nhận 7 bệnh nhân từ tuyến huyện chuyển đến ngày 20/1. Trước đó gia đình 9 người nấu trứng cóc với gừng, ăn xong 8 người nôn mửa, đau bụng, hoa mắt, chóng mặt rồi khó thở, được đưa đến trung tâm y tế huyện cấp cứu. Một cụ ông không ăn nên không bị ảnh hưởng. Một người 37 tuổi ăn nhiều nhất đã tử vong.
Khi được đưa đến bệnh viện tỉnh Hòa Bình, 7 bệnh nhân vẫn liên tục nôn mửa, đau bụng, chóng mặt, khó thở, một số bị co giật, xuất hiện ảo giác. Khoa Cấp cứu huy động tối đa nhân lực, cùng Khoa Hồi sức Tích cực hỗ trợ cho kíp trực cấp cứu. Toàn bộ y bác sĩ thức suốt đêm để cứu chữa 7 người bệnh đang nguy kịch.
Các bệnh nhân được bơm rửa dạ dày để loại bỏ chất độc, dùng thuốc điều chỉnh các rối loạn khác. Sáng 21/1, 7 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, vẫn đang được chăm sóc đặc biệt.
Có thể nói, mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều lần nhưng dường như nhiều người vẫn dửng dưng với việc ngộ độc thực phẩm, thậm chí mất mạng do dùng các sản phẩm thịt cóc cũng như nội tạng của cóc. Sắp sang năm mới và chuyện ăn uống thực sự phải hết sức cẩn trọng để đảm bảo một cái Tết an yên, hạnh phúc. Chuyên gia một lần nữa muốn chúng ta nâng cao ý thức hơn với thực phẩm được coi là đặc sản này.
Thịt cóc tuy giàu dinh dưỡng nhưng để ăn đảm bảo an toàn không phải chuyện đơn giản!
Thực tế, giới chuyên gia ghi nhận thịt cóc có giá trị dinh dưỡng rất cao. Thậm chí, giá trị dinh dưỡng của thịt cóc còn cao hơn cả thịt bò, thịt lợn, chứa nhiều axit amin cần thiết cùng nhiều chất vi lượng như mangan, kẽm… Đó chính là lý do rất nhiều người sử dụng loại thực phẩm này làm thực phẩm bồi bổ sức khỏe cho người già, trẻ còi xương, suy dinh dưỡng…
Tuy nhiên, điều đáng nói, trong cơ thể cóc chứa rất nhiều độc tố. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: "Độc tố ở con cóc thường tập trung ở một số bộ phận như tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc, gan và buồng trứng. Nếu trong quá trình chế biến không loại bỏ sạch những khu vực chứa độc tố này, người ăn có nguy cơ ngộ độc, thậm chí tử vong".
Theo ông Thịnh, mặc dù vậy, chúng ta không thể phủ nhận thịt cóc có giá trị dinh dưỡng rất cao. Tuy nhiên, ăn thế nào cho đúng thì không phải ai cũng nắm rõ. Điều này dẫn đến những sự cố thương tâm trong thời gian qua.
"Khi lấy thịt cóc để chế biến thành thực phẩm đòi hỏi phải hết sức cẩn trọng. Chỉ lấy 2 đùi và 1 phần lưng, xương để chế biến thực phẩm, còn các bộ phận khác như ruột, trứng, gan, mật, phải bỏ đi", chuyên gia cho biết thêm.
Nhiều người hiện nay thường chủ quan trong chế biến thịt cóc, hoặc tiếc nhiều bộ phận khác của con cóc như trứng cóc, gan cóc… nên nghiễm nhiên cho vào nấu cùng, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Qua những trường hợp bị tử vong, ngộ độc do ăn thịt cóc, vị chuyên gia này lên tiếng cảnh tỉnh người dân không được chủ quan.
Ngoài việc loại bỏ những bộ phận trên, khi lấy cóc làm thực phẩm, người dân tuyệt đối không được lựa chọn cóc tía vì đây là loài cóc chứa chất độc cực lớn. Khi chế biến cần đảm bảo tuyệt đối không được để da cóc, nhựa cóc dính vào thịt cóc. Không sử dụng những sản phẩm dán mác bột thịt cóc không rõ nguồn gốc, xuất xứ vì nguy cơ ngộ độc rất cao.
"Tốt nhất chúng ta không nên ăn thịt cóc khi không biết cách chế biến để phòng nguy cơ nhiễm độc cũng như nhựa cóc bắn vào mắt rất nguy hiểm. Nếu có người nhà bị ngộ độc do ăn thịt cóc cần chủ động gây nôn và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời", ông Thịnh khuyên.