Nhắc đến mùa hè là nhắc tới những thứ quả nhiệt đới thơm ngon và vô cùng ngọt ngào. Trong đó, sầu riêng là loại quả đã làm say đắm biết bao người. Vị ngọt, ngậy, béo của loại quả đặc trưng này đã chinh phục được nhiều thực khách khó tính và gây ấn tượng với nhiều người ngay từ lần thưởng thức đầu tiên.
Trong Đông y, sầu riêng cũng được biết đến như một loại thực phẩm có tác dụng bồi bổ cơ thể và chữa bệnh. Sầu riêng vị ngọt, bùi, mùi đặc biệt, chủ trị chữa cảm sốt, viêm gan vàng da.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), phần thịt sầu riêng chính là lựa chọn hoàn hảo khi đang có nhu cầu bổ sung thêm năng lượng cho cơ thể. Trong sầu riêng chứa rất nhiều vitamin B, C, kali... giúp hỗ trợ chữa lành vết thương, giảm cholesterol và cải thiện lưu lượng máu.
Theo lương y Sáng, bạn cũng có thể sử dụng hạt sầu riêng để rang, nướng, luộc ăn hoặc làm mứt kẹo ăn sẽ có tác dụng kích thích tiêu hóa. Ngoài ra, có thể sử dụng lá và rễ sầu riêng 30-40g đem đi sắc uống để chữa cảm sốt, viêm gan vàng da.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng sầu riêng và cũng không phải cứ kết hợp sầu riêng với bất kỳ đồ ăn, nước uống nào cũng được bởi nó sẽ gây ra những nguy hiểm đến tính mạng.
7 nhóm người KHÔNG nên ăn sầu riêng
- Theo lương y Bùi Đắc Sáng, sầu riêng nóng và gây đờm, chính vì vậy những người đau họng, ho, bị cảm lạnh, âm hư và khí quản nhạy cảm, người đang bị táo bón, trĩ không thích hợp ăn sầu riêng.
- Nhóm người tì vị yếu cần tránh ăn sầu riêng vì có thể gây đầy bụng, khó tiêu.
- Sầu riêng nhiều đường, giàu năng lượng vì thế không thích hợp cho người đang trong giai đoạn giảm cân, người mắc bệnh béo phì, bệnh nhân tiểu đường.
- Sầu riêng là loại quả chứa hàm lượng kali cao vì vậy bệnh nhân mắc bệnh thận, bệnh tim cần phải hạn chế ăn. Nguyên nhân là bởi hàm lượng kali cao có thể khiến chất kali bị ứ đọng trong cơ thể, làm tim loạn nhịp, gây ngừng tim đột ngột. Với người bệnh thận có thể gây suy thận.
- Những người bị nóng trong không nên ăn sầu riêng vì khi ăn sẽ càng khiến cơ thể bốc hỏa.
- Sầu riêng rất giàu cellulose người già nên hạn chế ăn.
- Phụ nữ mang thai cần tránh không nên ăn quá nhiều sầu riêng vì loại quả này nhiều đường, tính nóng, có thể gây tăng huyết áp, thậm chí là bốc hỏa, đầy hơi, khó tiêu ở bà bầu.
5 thực phẩm KHÔNG nên ăn chung với sầu riêng
Khi đã ăn sầu riêng, bạn không nên sử dụng các món này bởi chúng có thể ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe:
1. Rượu
Theo Đông y, rượu có tính nóng. Khi uống rượu cùng với sầu riêng cũng có tính nóng, những tác động này bị đẩy mạnh thêm và có thể làm mất cân bằng âm dương của cơ thể, gây ra những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.
2. Coca, cà phê
Theo lương y sáng, trong coca và cà phê có chứa nhiều caffein, cần tránh kết hợp cùng sầu riêng bởi có thể gây ra một số phản ứng hóa học có trong loại quả này, để lại nhiều hậu quả cho sức khỏe từ nhẹ đến nặng.
3. Hải sản
Theo Đông y, cua là thực phẩm tính hàn, trong khi đó sầu riêng lại có tính nóng, hai thứ này kết hợp với nhau là "đại kỵ", có thể gây khó chịu cho dạ dày, tiêu chảy, đau bụng.
4. Quả vải
Vải là loại trái cây có tính nóng, khi kết hợp với sầu riêng sẽ khiến cơ thể thêm khó chịu, bốc hỏa, tăng huyết áp.
5. Các gia vị cay nóng
Theo lương y Sáng, các gia vị cay nóng như ớt, tỏi… cũng phải tránh kết hợp với sầu riêng bởi chúng đều có tính nóng. Khi ăn cả 2 cùng lúc sẽ gây bốc hỏa, bứt rứt khó chịu trong người, tăng nguy cơ ngộ độc cho cơ thể.
Ngoài ra, vị lương y cũng khuyên mọi người không nên ăn quá nhiều sầu riêng, dễ gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn. Trong một ngày chúng ta chỉ nên ăn khoảng 2 múi sầu riêng, tốt nhất nên ăn kèm thêm các loại trái cây tính mát khác như măng cụt, thanh long, dưa hấu… để làm hạ nhiệt, giúp dễ tiêu hơn, thu được nhiều lợi ích sức khỏe hơn.