Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

7 tác phẩm văn học kỳ ảo đặc sắc thời kỳ 1930 – 1945

Những tác phẩm văn học kỳ ảo khiến cho con người ta thêm trân trọng thế giới thiên nhiên kỳ bí, nhất là trong thời điểm môi trường và hệ sinh thái của con người đang bị đe dọa như hiện nay

Ngày 29/10, Nhà xuất bản Kim đồng tổ chức chương trình Book talk "Vẻ đẹp văn học kỳ ảo Việt Nam qua "Truyện đường rừng" và những truyện khác" nhân dịp ấn hành 7 tác phẩm thuộc dòng văn học huyền ảo thời kỳ 1930-1945 của các tác giả Thế Lữ, Lan Khai và TchyA. Đông đảo các em học sinh đã đến nghe Tiến sĩ Nguyễn Thị Năm Hoàng, nhà báo Yên Ba và nhà văn Di Li chuyện trò về những sáng tác đặc biệt này của các tác giả nổi tiếng.

Các diễn giả: Nhà báo Yên Ba, Tiến sĩ Nguyễn Thị Năm Hoàng, nhà văn Di Li

Các diễn giả: Nhà báo Yên Ba, Tiến sĩ Nguyễn Thị Năm Hoàng, nhà văn Di Li

Bảy tác phẩm bao gồm “Bên đường thiên lôi”, “Ba hồi kinh dị”, “Vàng và máu” của nhà văn Thế Lữ, “Kho vàng Sầm Sơn”, “Thần hổ”, “Ai hát giữa rừng khuya” của nhà văn TchyA, và “Truyện đường rừng” của nhà văn Lan Khai.

Đây là những tác phẩm tiêu biểu cho dòng văn học kỳ ảo, huyền bí với thể tài “đường rừng” thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dòng văn học đã đóng góp những màu sắc phong phú nhất định cho văn học nước nhà.

Những tác phẩm này góp phần khơi gợi tình yêu thiên nhiên, yêu vẻ đẹp muôn màu của cảnh vật tự nhiên đất Việt ở các bạn đọc trẻ. Bộ tác phẩm ngoài việc là những câu chuyện huyền bí hấp dẫn, còn cung cấp một khối lượng thông tin, kiến thức không nhỏ về ngôn ngữ, phong tục tập quán, lối sống của những vùng đất nhất định ở thời kỳ cách đây gần 100 năm, nhất là ở vùng núi phía Bắc. Tái bản bộ sách cũng là một cách để lưu giữ, lưu truyền những di sản văn học của một thế hệ nhà văn lừng lẫy từ thế kỷ trước, và biết đâu cũng là những gợi mở để thế hệ người viết trẻ hiện nay có cảm hứng tạo nên những bộ truyện kỳ ảo mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

7 tac ja,

Theo nhà văn Di Li, trước đây Việt Nam có rất nhiều rừng, con người sống hài hòa với thiên nhiên, tạo điều kiện cho dòng văn học này phát triển. Trong những tiểu thuyết kỳ ảo kinh dị ấy, thần hổ xuất hiện rất nhiều, chi tiết này phản ánh nỗi sợ của con người ngày xưa.

Ngày nay đã khác trước, con người hiện đại, đặc biệt là người thành phố, không còn được tiếp xúc nhiều với những cảnh quan hoang dã, khi đọc được những tác phẩm quý ở thời ấy, sẽ thấy trân trọng hơn những giá trị văn hóa của một thời đại. Bên cạnh đó, những tác phẩm văn học kỳ ảo còn có một ý nghĩa quan trọng nữa đó chính là thông điệp bảo vệ thiên nhiên môi trường, bởi thiên nhiên tươi đẹp của một thời đang ngày một mất đi.

Nhà văn Di Li cho rằng ngày nay, để dòng văn học kỳ ảo, kinh dị tiếp tục phát triển ở Việt Nam, các nhà văn cần biết kết hợp yếu tố thời đại, đan cài những giá trị văn hóa vào chứ không thể viết giật gân, giải trí đơn thuần. Di Li khẳng định những câu chuyện kỳ bí vẫn có sức hút lớn đối với độc giả.

TS Nguyễn Thị Năm Hoàng nhận xét mỗi một nhà văn lại mang đến một trải nghiệm đọc riêng: Lan Khai sử dụng thủ pháp truyện lồng trong truyện, TchyA cung cấp nhiều tư liệu, nhiều triết lý, Thế Lữ đem đến vẻ đẹp văn chương với sự miêu tả tỉ mỉ, kỹ lưỡng, phơi bày trước mắt độc giả một khung cảnh nên thơ của thiên nhiên, rừng núi rồi mới dẫn dắt độc giả vào chuyến phiêu lưu gay cấn. Mỗi nhà văn một cá tính, nhưng điểm chung là họ đều gợi ra bức tranh về phong tục tập quán, những nét văn hóa đặc trưng của một vùng đất, một thời đại. Nhu cầu tìm kiếm vẻ đẹp thiên nhiên đang trở nên thiết yếu, lớp người trẻ cũng đang hướng đến cuộc sống gần gũi với thiên nhiên và những tác phẩm văn học đường rừng như "chạm đến cái phần nhân bản của chúng ta".