Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Pháp luật

8 bị cáo bật khóc khi được mẹ nạn nhân xin giảm án tại tòa

Được trình bày tại phiên tòa, người phụ nữ cho biết, con trai bà phải nằm liệt giường sau vụ hỗn chiến nhưng bà vẫn xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho 8 bị cáo.

Sáng 27/5, tại trụ sở TAND tỉnh Đắk Lắk, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm, đưa 8 bị cáo ra xét xử về các tội Giết người và Cố ý gây thương tích.

Các bị cáo gồm Phạm Thị Phượng (47 tuổi) Nguyễn Văn Hiệp (29 tuổi), Dương Văn Huấn (36 tuổi), Nguyễn Văn Hoàng (31 tuổi), Nguyễn Văn Thủy (28 tuổi), Dương Văn Hiến (31 tuổi), Nguyễn Trọng Tố (33 tuổi) và Hà Văn Pha (43 tuổi), cùng trú tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Có mặt tại phiên xử phúc thẩm, bà Phùng Thị Độ (mẹ anh Trịnh Sơn Thành, nạn nhân bị thương tích 77% trong vụ hỗn chiến) cho biết, từ khi xảy ra vụ án đến nay, anh Thành phải nằm một chỗ.

Tuy nhiên, bà vẫn xin HĐXX giảm án cho các bị cáo để họ có cơ hội cải tạo, sớm trở về hòa nhập xã hội, làm lại cuộc đời.

Bà Độ trình bày: “Quê tôi nghèo, các bị cáo đều là nông dân, hoàn cảnh rất cơ cực. Vì ai cũng muốn có nương rẫy canh tác nên xảy ra cơ sự như vậy. Con tôi tật nguyền suốt đời, tôi đành chịu.

Tôi coi đây là cơ hội để giúp các cháu, xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các cháu. Tuy nhiên, tôi cũng yêu cầu các cháu phải coi đây là bài học, phải ăn năn hối cải để sau này không lặp lại sai lầm”.

8 bị cáo bật khóc khi được mẹ nạn nhân xin giảm án tại tòa - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Mẹ nạn nhân vừa dứt lời, nhiều bị cáo bật khóc, quay sang nhìn bà Độ với ánh mắt đầy hối hận…

Theo cáo trạng, năm 2010, anh Nguyễn Duy Điển (trú tỉnh Bình Phước) mua lại 9,5 ha đất lâm nghiệp từ người dân thuộc tiểu khu 263, xã Ea Bung với giá 314 triệu đồng. Việc mua bán chỉ thể hiện bằng giấy viết tay.

Đến năm 2016, anh Điển và ông Đặng Văn Hà (biệt danh Hà “đen”, 48 tuổi, trú thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) và một số người khác xảy ra tranh chấp.

Sau đó, anh Điển viết giấy tay, giao đất cho bà Phạm Thị Phượng ở gần đó trông giữ, canh tác.

Ngày 5/12/2017, anh Nguyễn Văn Hoàng (con trai bà Phượng) san ủi đất thì anh Đặng Văn Sơn (con trai Hà “đen”) dùng dao đuổi chém gây thương tích 5%.

Đến ngày 16/12/2017, anh Sơn cùng Đặng Công Báo (38 tuổi) và Vũ Hồng Phong (50 tuổi) tới cày đất trên diện tích 9,5 ha mà bà Phượng đang canh tác.

Trưa cùng ngày, con trai bà Phượng là Hoàng và Nguyễn Văn Hiệp cùng anh kết nghĩa là Dương Văn Huấn ra ngăn cản. Tại đây, Hoàng nhận ra Sơn là người đã chém mình nên lấy dao rựa đuổi theo, chém trúng tay Sơn.

Sau khi nhận được tin, Hà “đen” rủ thêm 4 người khác mang theo mã tấu, súng tự chế, gậy kéo vào khu đất đang tranh chấp để giải quyết mâu thuẫn.

Bà Phượng gọi điện báo cho chính quyền địa phương nhờ can thiệp và nhờ vài người dân gần đó đến giúp.

Đến 13h cùng ngày, khoảng 40 người dân ở khu vực gần đó mang theo cuốc, xẻng, gậy…đến giúp bà Phượng tìm cách đối phó với nhóm Hà “đen”.

Thấy nhóm của bà Phượng đến gần, nhóm Hà “đen” lên thùng xe, cầm dao, mã tấu, gậy đứng chờ.

Khi nhóm bà Phượng cách khoảng 2-3m, Đặng Công Hải cầm súng tự chế bắn 1 phát chỉ thiên. Ngay lập tức, nhóm bà Phượng lao vào tấn công nhóm Hà “đen”.

Hậu quả, vụ hỗn chiến vì tranh chấp đất đai khiến 8 người trong nhóm Hà “đen” thương vong. Cụ thể, Phạm Thế Văn tử vong, Trịnh Sơn Thành thương tích 77%, Đặng Công Hải thương tích 37%, Đặng Văn Hà thương tích 33%, Đặng Công Báo thương tích 28%, Nguyễn Cao Nguyên thương tích 25%, Đặng Văn Sơn thương tích 19% và Vũ Hồng Phong thương tích 4%.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm vào cuối tháng 10/2019, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt Phạm Thị Phượng 21 năm tù, Nguyễn Văn Hoàng 20 năm tù, Nguyễn Văn Hiệp 20 năm tù, Dương Văn Hiến 19 năm tù, Dương Văn Huấn 19 năm tù, Nguyễn Trọng Tố 18 năm tù, Nguyễn Văn Thủy 14 năm tù và Hà Văn Pha 15 năm tù về tội Giết người và Cố ý gây thương tích.

Sau đó, các bị cáo kháng cáo, đề nghị tòa cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại tội danh.

Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, trưa 27/5/2020, HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm đối với 8 bị cáo nói trên.