Việt Nam vẫn còn 1,75 triệu lao động trẻ em
Phát biểu tại khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em cụ thể là: Hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến phòng ngừa lao động trẻ em đã được ban hành và đang dần được hoàn thiện, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế về lao động trẻ em. Bộ luật lao động được bổ sung, sửa đổi nhằm tăng cường bảo vệ người lao động, trong đó có lao động trẻ em, quy định về độ tuổi lao động tối thiểu, thời giờ làm việc và điều kiện làm việc. Các chương trình, dự án về bảo vệ trẻ em được triển khai đã góp phần phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Nhiều mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em được triển khai thí điểm tại một số địa phương đã cải thiện điều kiện lao động và an toàn vệ sinh lao động, môi trường làng nghề, hoạt động du lịch và các hoạt động trong nông nghiệp, ngư nghiệp….Tuy nhiên vấn đề lao động trẻ em ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Kết quả báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 do Bộ LĐ-TB&XH, ILO và Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy vẫn còn 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5 – 17 tuổi. Lao động trẻ em ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về thể chất và tâm lý của trẻ em; trẻ em lao động không được thụ hưởng nền giáo dục phù hợp, không được đi học đều, thậm chí là không thể đến trường. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực quốc gia trong tương lai. Mặt khác, lao động trẻ em còn là vấn đề của hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan trao đổi với các đại biểu tại hội nghị.
“Giải quyết vấn đề lao động trẻ em ở Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức như nhận thức của gia đình và chính trẻ em, của người sử dụng lao động và người môi giới lao động còn hạn chế. Đặc biệt là thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách liên quan đến lao động trẻ em. Khả năng tiếp cận các hoạt động và dịch vụ phát triển kỹ năng và nghề nghiệp hạn chế cũng là yếu tố cản trở việc xóa bỏ lao động trẻ em. Nghèo được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và từ đó dẫn đến nguy cơ lao động trẻ em. Việc kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan đến lao động trẻ em, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức còn nhiều bất cập, trong đó có việc năng lực phát hiện và can thiệp của cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương và thanh tra lao động còn hạn chế. Chưa có nhiều mô hình can thiệp phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em bền vững được thực hiện”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Hàng nghìn trẻ em nghèo sẽ được hưởng lợi
Theo khảo sát lao động trẻ em 2012, trong số trẻ em tham gia lao động có tới 85% lao động trẻ em sinh sống ở nông thôn và 15% sinh sống ở khu vực thành thị. 67% trẻ em tham gia lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhóm ngành dịch vụ là 16,6% và nhóm xây dựng – công nghiệp chiếm 15,8%. Thời gian làm việc bình quân trên 42giờ/tuần của lao động trẻ em. Trong số những em tham gia lao động sớm, có tới 52% trẻ đã thôi học, 2,8% trẻ em chưa bao giờ đi học và 45,2% em vẫn tiếp tục đi học. Một bộ phận đáng kể trẻ em làm việc trong điều kiện lao động ngoài trời, đi lại nhiều dễ bị tai nạn, nguy hiểm, điều kiện làm việc quá nóng, quá lạnh, môi trường có hóa chất độc hại và các tổn thương khác đến sự phát triển thể chất của trẻ em. Thậm chí, nhiều em phải làm việc các nghề cấm sử dụng lao động chưa thành niên hoặc điều kiện lao động có hại.
85% lao động trẻ em sinh sống ở nông thôn.
Để hỗ trợ cho Việt Nam trong triển khai hiệu quả việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, Chính phủ Hoa kỳ hỗ trợ Việt Nam Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam” với sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO. Theo đó, tổng mức vốn của dự án là 9,2 triệu USD. Dự án sẽ được triển khai tại 3 địa phương: ngành dệt may và thủ công mỹ nghệ tại TP Hồ Chí Minh, ngành nông nghiệp và thủy sản tại An Giang, ngành thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội. Dự án sẽ hỗ trợ cho khoảng 5.000 trẻ em có nguy cơ hoặc đang tham gia vào lao động trẻ em thông qua việc cung cấp các dịch vụ giáo dục hoặc cải thiện điều kiện làm việc đối với trẻ em đã đủ tuổi lao động theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, khoảng 2.000 hộ gia đình khoa khăn, có nguy cơ có lao động trẻ em hoặc có con em đang tham gia lao động sẽ được hỗ trợ để cải thiện sinh kế thông qua phát triển các sản phẩm trong chuỗi giá trị hoặc mở rộng các cách tiếp cận giúp gia tăng giá trị sản phẩm cung cấp cho thị trường tiêu thụ. Hàng nghìn trẻ em và hộ gia đình khác cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án khi nhận thức và năng lực của các bên liên quan đến giải quyết lao động trẻ em được nâng cao.