Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Phiên họp tại đầu cầu Hà Nội - Ảnh: báo Quốc tế
Theo đó, các phát biểu tập trung vào những nội dung như: hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; bản địa hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia; đẩy mạnh vai trò của công nghệ tạo thuận lợi cho người tham gia bầu cử nhiều hơn.
Với tinh thần đoàn kết, hữu nghị và hợp tác, các Đoàn nghị viện thành viên đã thống nhất thông qua các dự thảo Nghị quyết, bao gồm: Báo cáo Hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy lần thứ 4 (AIPACODD 4); Tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (Brunei Darussalam đề xuất); Đưa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia (Malaysia đề xuất).
AIPACODD tiền thân là Ủy ban Điều tra thực trạng AIPA chống hiểm họa ma túy (AIFOCOM) là cơ chế thường niên trong khuôn khổ của AIPA nhằm hỗ trợ việc chia sẻ thông tin, tăng cường hiểu biết và kinh nghiệm hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong đấu tranh chống tội phạm ma túy; thúc đẩy hài hòa hóa pháp luật về lĩnh vực này trong ASEAN, hướng tới một Cộng đồng ASEAN không ma túy.
Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tích cực, chủ động tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy toàn cầu và khu vực. Chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN là: Không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy; cân bằng giữa các giải pháp giảm cung, giảm cầu và kiên định lộ trình hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN không có ma túy. Quốc hội Việt Nam đã luôn nỗ lực hoàn thiện luật pháp, tăng cường giám sát trong lĩnh vực này. Vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy để có những điều chỉnh phù hợp, ứng phó với những thách thức mới trong công cuộc phòng, chống ma túy.