Theo đó, các nhà khoa học của ISRO đã sử dụng XL Variant – loại tên lửa uy lực nhất. Thiết bị phóng vệ tinh PSLV đã được phóng lên từ trung tâm không gian Satish Dhawan, đảo Sriharikota, bang Andhra Pradesh.
Trước tiên, PSLV phóng vệ tinh CARTOSAT-2 của Ấn Độ (nặng 714 kg) làm nhiệm vụ quan sát trái đất, sau đó thả tiếp 103 vệ tinh khác vào quỹ đạo đồng bộ với quỹ đạo mặt trời, cách trái đất khoảng 520 km.
Vệ tinh CARTOSAT-2 được sử dụng cho mục đích viễn thám. Hình ảnh vệ tinh gửi về sẽ được sử dụng cho việc quản lý và sử dụng đất ven biển, giám sát mạng lưới giao thông đường bộ, phân phối nguồn nước và và vẽ bản đồ đất đai. Sứ mệnh của CARTOSAT-2 sẽ kéo dài 5 năm.
Hai vệ tinh nano khác của Ấn Độ là INS-1A và INS-1B được phát triển như các vệ tinh đồng hành khách đi cùng các vệ tinh lớn hơn trên PSLV. Trong số 101 vệ tinh khách, 96 trong số này thuộc về Hoa Kỳ. Israel, Kazakhstan, Hà Lan, Thụy Sĩ và Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất mỗi nước có một vệ tinh.
Ấn Độ đã chính thức trở thành quốc gia đầu tiên phóng thành công 104 vệ tinh chỉ với một lần phóng duy nhất. Trước đó, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga giữ kỷ lục với 37 vệ tinh được phóng đi năm 2014. Cơ quan Không gian Mỹ NASA đã phóng 29 vệ tinh, và ISRO phóng 20 vệ tinh trong tháng 6 năm 2015.