Toàn tỉnh An Giang có 20.074 hộ nghèo (tỷ lệ 3,81%); trong đó hộ nghèo DTTS 3.969 hộ (tỷ lệ 14,51%); hộ cận nghèo chung 31.046 hộ (tỷ lệ 5,89%), trong đó hộ cận nghèo DTTS là 1.871 hộ (tỷ lệ 6,84%).
Ban Dân tộc tỉnh cho biết, thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh đã hỗ trợ 250 hộ có nhu cầu về đất ở của các huyện An Phú 42 hộ, Tri Tôn 99 hộ, Tịnh Biên 110 hộ với tổng kinh phí hỗ trợ 7,5 tỷ đồng.
Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 19 hộ tại huyện Tịnh Biên, tổng kinh phí 28,5 triệu đồng. Hỗ trợ 648 bồn chứa nước dung tích 1.000 lít, cho 648 hộ đồng bào DTTS nghèo tại các huyện: An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn, TX. Tân Châu với tổng kinh phí 972 triệu đồng. Hỗ trợ vốn vay chuyển đổi nghề 12,2 tỷ đồng cho 372 hộ huyện Tri Tôn, Tịnh Biên.
Trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh luôn quan tâm đến vùng đồng bào DTTS, như đầu tư các cụm tuyến dân cư vượt lũ ở các vùng đồng đồng bào dân tộc nhằm sắp xếp, bố trí cho hộ dân có nơi ở ổn định, kể cả công tác vận động, hỗ trợ cấp nhà cho các đối tượng hộ nghèo. Hoạt động tín dụng phục vụ thực hiện chính sách được đảm bảo, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn, sử vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Thông qua các chính sách dân tộc trong vùng đông bào dân tộc đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, bộ mặt nông thôn có bước thay đổi, nhiều hộ được cấp nhà ở, đất ở, được hỗ trợ vốn, vay vốn tập trung phát triển sản xuất, mức sống của đồng bào dân tộc ngày được nâng cao, nhiều hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, số hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh dần được cải thiện.
Đến nay các tuyến đường chính vùng dân tộc đều được bê tông, nhựa hóa, 100% xã đã có đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm huyện đến xã. Vào mùa khô, những khu vực trước đây không đủ nước tưới nay nhờ có hệ thống thủy lợi vùng cao, một số vùng bà con nông dân có thể sản xuất lúa từ 1 vụ/năm lên 3 vụ/năm, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc.