Để chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu của mua sắm người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá bất hợp lý. Sở Công Thương vừa xây dựng Kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhằm góp phần đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Theo Sở Công Thương, hiện có 24 doanh nghiệp chủ lực của tỉnh đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường, chuẩn bị lượng hàng đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Tính từ 20/11/2022 đến ngày 28/01/2023 (khoảng hơn 2 tháng), dự kiến tổng số tiền dự trữ khoảng 1.374 tỷ đồng, tăng 17,2% với kết quả thực hiện năm trước (trong đó: nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm,… là 169 tỷ đồng; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng là 1.205 tỷ đồng).
Kế hoạch bình ổn thị trường tập trung chủ yếu vào mặt hàng gạo, thịt heo, thịt gà, vịt, trứng gia cầm, xăng dầu và gas….
Về cửa hàng bán hàng bình ổn thị trường có 420 đại lý, cửa hàng, điểm bán. Trong đó có 113 cửa hàng bán lương thực, thực phẩm và 307 cửa hàng bán xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng được bố trí rộng khắp trên địa bàn tỉnh.
Số lượng cửa hàng bán xăng, dầu giảm do tâm lý doanh nghiệp lo sợ thiếu hụt xăng dầu cục bộ như vừa qua và khi có biến động lớn về giá, chu kỳ điều chỉnh giá kéo dài nhiều ngày.
Tuy nhiên, các điểm bán hàng bình ổn thị trường bố trí rộng khắp tỉnh An Giang, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của người dân trong những ngày cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.