Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

An Giang: Người Khmer đổi đời từ nuôi bò lai Sind

Những năm qua, mô hình chăn nuôi bò lai Sind đã và đang phát huy hiệu quả, đem lại cho nhiều nông hộ đồng bào Khmer ở Tịnh Biên, An Giang nguồn thu nhập cao, nhanh chóng thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

 

Tịnh Biên là một huyện miền núi của tỉnh An Giang, có 7.963 hộ đồng bào Khmer sinh sống từ lâu đời, chiếm 26,3% dân số toàn hiện. Từ nhiều năm qua, tỉnh An Giang đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, chọn xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, một địa phương có truyền thống nuôi bò, để làm thí điểm triển khai chương trình giúp nông dân nâng cao tầm vóc đàn bò. Đây là mô hình thử nghiệm phương pháp chăn nuôi bò theo khoa học tại vùng Bảy Núi.

 

 Nuôi bò lai Sind nhốt chuồng vỗ béo


Mô hình này bao gồm chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khâu lai tạo, chăm sóc bò, chủ động nguồn thức ăn cho bò. Thực hiện mô hình này đã hoàn toàn thay đổi tập quán chăn thả của đồng bào Khmer trước đây, mang lại lợi ích nhiều hơn, nên được bà con nhiệt tình ủng hộ. Đặc biệt trong khi triễn khai thực hiện mô hình này, chính quyền địa phương  đã khuyến khích, hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer đưa giống bò lai Sind vào nuôi, để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Bò lai Sind là giống bò hình thành từ kết quả giao phối giữa giống bò đực Sindhi đỏ với bò cái vàng Việt Nam. Bò lai Sind với ưu điểm tầm vóc to lớn, lượng thịt nhiều, dễ nuôi và bán được giá cao hơn giống bò truyền thống ở địa phương, nên đồng bào Khmer rất thích nuôi.

 

 Nuôi bò lai Sind chăn thả


 Nhờ đó, hàng loạt điểm trình diễn chuyển giao kỹ thuật, cung cấp con giống, gieo tinh nhân tạo, bảo hiểm vật nuôi được triển khai thực hiện. Qua đó, huyện Tịnh Biên đã xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng mô hình nuôi bò lai Sind ra các xã: Vĩnh Trung, Văn Giáo, Tân Lợi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Chau On, ở ấp Srây – Skoth, xã Văn Giáo cho biết, được cán bộ xã vận động, ông đã bán đôi bò giống địa phương để mua một đôi bò giống lai Sind về nuôi. Được tập huấn về kỹ thuật nuôi theo khoa học, nên bò rất mau lớn, sinh sản tốt, nên không bao lâu gia đình ông đã phát triển đàn bò lai Sind lên gần chục con, với giá mỗi con bình quân khoảng từ 9 – 10 triệu đồng/con. Nhận thấy nuôi bò lai Sind, không chỉ nhanh chóng thoát nghèo, mà còn có cơ hội vươn lên làm giàu, nên nhiều nông hộ đồng bào Khmer đã dành một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng cỏ nuôi bò.

Ông Chau Kók ớ ấp Phú Tân chia sẻ, những năm gần đây gia đình ông dành khoảng 5 công đất (5.000 m2) trồng cỏ để nuôi bò lai Sind, tính ra hiệu quả gấp 6 lần trồng lúa. Có thể nói, hiện nay nghề chăn nuôi bò, nhất là bò lai Sind ở Tịnh Biên được xem là kinh tế chủ lực của hàng trăm nông hộ, chủ yếu là đồng bào Khmer. Hiện, phong trào chăn nuôi bò lai Sind ở Tịnh Biên hiện nay phát triển mạnh, với số lượng đàn bò lên tới khoảng 20.000 con.

 giống bò Red Augus chất lượng cao


Sau nhiều năm thực hiện mô hình nuôi bò lai Sind thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ tháng 7/2013 Chi cục Thú ý tỉnh An Giang tiếp tục triển khai thực hiện Dự án lai tạo giống bò Red Angus ở huyện Tịnh Biên. Đây là Dự án gieo tinh nhân tạo cho bò cái lai Sind với giống bò Red Angus nhập khẩu từ Mỹ, với ưu điểm trọng lượng lớn (con đực trưởng thành đạt từ 700 kg – 1000 kg, tỷ lệ thịt xẻ đạt từ 68 – 71 %; bò cái lớn gấp đôi giống bò cái lai sind ở địa phương).

Hiệu quả lớn nhất của Dự án là đã lai tạo thành công giống Red Angus, góp phần nâng cao chất lượng giống bò siêu thịt ở vùng đồng bào dân tộc Khmer hiện nay. Qua đó, góp phần thay đổi cơ cấu giống bò, hình thành ngành chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, nâng cao thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông hộ đồng bào Khmer ở Tịnh Biên.