Nuôi lươn là một trong những mô hình khá phổ biến ở nhiều địa phương của tỉnh An Giang. Nhưng mô hình nuôi lươn giống thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó thành công đáng kể là cơ sở của anh Nguyễn Ngọc Hân, ở ấp Phú An, xã An Bình. Gia đình anh Hân bắt đầu nuôi lươn giống từ năm 2013, với hơn 10 bồn có diện tích từ 6 m 2 đến 38 m 2 , chuyên cung cấp con giống cho các hộ nông dân nuôi lươn trong vùng. Anh cho biết, lươn giống được nuôi, chăm sóc khoảng 25 ngày thi bắt đầu đẻ trứng. Sau khi lươn đẻ trứng xong, sẽ dỡ ổ lấy trứng rửa sạch bùn đất rồi đem vào bồn ấp bằng ô xy nhân tạo khoảng từ 10 – 12 ngày thì nở thành con bột, rồi thành lươn hương và phát triển thành lươn giống. Lươn giống sinh sản nhiều vào tháng 3 âm lịch hàng năm, cứ khoảng 15 ngày anh bán ra khoảng 8000 – 9000 trứng lươn hoặc lươn hương, sau khi trừ mọi chi phí, anh có lời khoảng 4 triệu đồng/đợt.
Theo kinh nghiệm của anh Hân, để lươn giống sinh sản tốt, người nuôi lươn phải nắn vững kỹ thuật, từ việc thay nước đến chế độ ăn, chăm sóc. Con lươn bố mẹ phải được tuyển chọn từ những con lươn trưởng thành tốt nhất, có trọng lượng khoảng từ 50 gram đến 90 gram, như thế mới có thể sinh sản được nhiều trứng. Hiện nay ở địa phương, mô hình nuôi lươn giống của anh Hân, cũng đã bắt đầu được nhiều nông dân khác tìm đến học hỏi kinh nghiệm để làm theo.
Mô hình nuôi lươn giống
Tại xã Mỹ Phú Đông, nuôi ba ba trong bể xi măng cũng là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, được nhiều nông dân thực hiện. Năm 2014 gia đình anh Nguyễn Thanh Phong, ở ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Phú Đông thả nuôi gần 400 con ba ba thương phẩm trong bể xi măng, sau 11 tháng ba ba đạt trọng lượng từ 600 gram – 1 kg/con, anh tuyển chọn thu hoạch trước khoảng 300 kg (300 con), bán với giá trên 300.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí còn có lãi trên 40 triệu đồng. Anh Phong chia sẻ, nuôi ba ba ít tốn công chăm sóc, nhưng phải áp dụng tốt kỹ thuật nuôi mới đem lại hiệu quả cao. Trước hết là khâu chọn lựa con giống, phải chọn những con khỏe mạnh, nguồn thức ăn cho ba ba phải đảm bảo vệ sinh, bể nuôi luôn sạch sẽ, 5 – 7 ngày thay nước/lần. Bể nuôi ba ba cần phải rải một lớp cát mịn dày khoảng 10 cm, được che chắn chắn cẩn thận, tường xây cao 1 m, có lưới bao quanh để ba ba không thoát ra ngoài. Theo anh Phong, điều quan trọng nữa là sau 9 tháng thả nuôi, phải tiến hành phân đàn, tách riêng con đực và con cái để hạn chế sự hao hụt, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi ba ba trong bể xi măng
Những năm gần đây, hai xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Thoại Sơn là Vĩnh Khánh và Vĩnh Chánh được Trung tâm Giống thủy sản An Giang tập huấn kỹ thuật thực hiện mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt, với thức ăn công nghiệp cho nhiều hộ nông dân tham gia mô hình. Đây là một trong những mô hình thu hút nhiều nông dân tham gia, bởi rất phù hợp với hộ nghèo ít vốn và ít đất sản xuất. Những hộ tham gia mô hình có thể tận dụng diện tích xung quanh nhà, trong vườn để xây bể lót bạt, nuôi với quy mô nhỏ và vừa, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế hơn so với một số mô hình khác. Mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt có đầu ra ổn định, góp phần tạo nguồn nguyên liệu cá lóc thương phẩm cung cấp cho các cơ sở làm khô, mắm nổi tiếng ở An Giang. Nhờ đó, những hộ tham gia mô hình đã có nguồn thu nhập ổn định, nhanh chóng thoát nghèo và vươn lên làm giàu