Đây là cơ hội nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá điểm đến và sản phẩm dịch vụ du lịch của tỉnh An Giang đến với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đối tác trên toàn quốc. Qua đó tìm kiếm cơ hội liên kết, hợp tác phát triển tour, tuyến, sản phẩm dịch vụ du lịch An Giang.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên du lịch phong phú: có núi, rừng, đồng bằng, sông ngòi... đã làm nên mảnh đất An Giang với vẻ đẹp “non nước hữu tình”, điểm đến du lịch “an toàn - thân thiện - hấp dẫn”.
Năm 2022, An Giang đón hơn 7,3 triệu lượt khách đến tham quan, doanh thu ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, vượt xa so với kỳ vọng ban đầu sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Toàn tỉnh An Giang có hơn 15 khu, điểm tham quan du lịch. Trong đó, Khu du lịch quốc gia Núi Sam, khu du lịch Núi Cấm, điểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư... được du khách trong và ngoài nước biết đến. Tỉnh cũng có hơn 15 doanh nghiệp lữ hành, hơn 90 cơ sở lưu trú.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… đánh giá cao An Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch với nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp và các khu di tích mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng; di tích văn hóa, lịch sử cách mạng; di tích lịch sử phong phú, đa dạng như: Khu lưu niệm Tôn Đức Thắng (Long Xuyên), Khu di chỉ văn hóa Óc Eo (Thoại Sơn); Miếu bà Chúa Xứ Núi Sam (Châu Đốc)... Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhưng ngành du lịch An Giang lại phát triển chưa xứng tầm. Cơ sở vật chất hạ tầng các khu, điểm du lịch chưa được đầu tư, quy hoạch đồng bộ; chưa xây dựng được các loại hình du lịch hấp dẫn để hút và giữ chân du khách. Khách du lịch chưa sẵn sàng chi nhiều tiền khi đến với An Giang.
Theo ông Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2018, Viện nghiên cứu 3 đề tài liên quan đến sản phẩm du lịch của tỉnh. Qua nghiên cứu cho thấy, từ năm 2010, tổng số tiền chi tiêu của một du khách đến với An Giang chỉ 450.000 đồng, hiện tăng lên khoảng 630.000 đồng. Tuy nhiên, nếu quy đổi, một du khách chỉ chi tiêu khoảng 27 USD - con số rất khiêm tốn.
“Nếu xét về chiến lược dẫn đầu về số lượng khách du lịch nội địa, An Giang luôn vượt hơn so với thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, An Giang lại đang rơi vào bẫy thu nhập thấp và trung bình. Trong khi, nhiều địa phương khác không cần đón nhiều khách, nhưng lại có nguồn thu từ các dịch vụ du lịch rất cao”, ông Minh nêu thực trạng ngành du lịch An Giang đang đối mặt. Để du lịch An Giang phát triển xứng tầm cần thay đổi chiến lược. Đó là không cần dẫn đầu về số lượng mà cần phát triển sản phẩm du lịch tinh hoa.
Xác định thị trường trọng điểm cần đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới là TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương có khai thác đường bay đến TP. Cần Thơ. Đồng thời mở rộng kết nối tour tuyến sang một số tỉnh, thành phố như Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Dương; Đồng Tháp… nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh liên kết, hợp tác cùng phát triển. Hội nghị là nơi giao lưu, kết nối tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh; phải tạo được cầu nối trực tiếp cho doanh nghiệp du lịch An Giang với các doanh nghiệp và đối tác hoạt động, kinh doanh du lịch trên toàn quốc. Tạo cơ hội để doanh nghiệp du lịch An Giang và các doanh nghiệp du lịch trên cả nước gặp gỡ trực tiếp, trao đổi các chính sách kinh doanh, tìm kiếm đối tác tại các thị trường trọng điểm.
Dịp này, các khu điểm và doanh nghiệp du lịch tỉnh An Giang đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với 10 doanh nghiệp và các đối tác đến từ các tỉnh, thành phố về tham dự hội nghị.