Ngay khi ban hành Nghị quyết 05 – NQ/TU ngày 15/9/2011 về XDNTM, Tỉnh ủy An Giang đã chỉ đạo Sỡ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Chương trình “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2015” và Đề án “XDNTM giai đoạn 2010 – 2020”. Theo đó, tỉnh An Giang xác định muốn XDNTM được thuận lợi và tiến hành đồng bộ khi triển khai, thì phải làm tốt công tác tuyên truyền, để nâng cao nhận thức từ cấp ủy đảng đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về nhiệm vụ trọng tâm.
Hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa
Đồng thời làm tốt công tác vận động mợi nguồn lực trong xã hội tham gia vào phong trào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn một cách có hiệu quả, thiết thực. Trong đó đáng kể nhất là hệ thống hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm, chợ ở vùng nông thôn phát triển nhanh, đồng bộ.
Hệ thống kênh nội đồng được nâng cấp và xây mới đảm bảo tưới tiêu
Nhiều địa phương có hệ thống đường giao thông nông thôn liên xã, liên thôn được nâng cấp và bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa nông sản…Cụ thể như huyện Thoại Sơn, trong 5 năm qua, đã xây dựng được 63 km đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhờ đó đến nay, trung bình các xã ở huyện Thoại Sơn đạt từ 5 – 10 tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm 2015 hai xã Vĩnh Phú và Vĩnh Thạch sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt chuẩn nông thôn mới.
Xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp
Tại huyện Châu Thành, nhiều nông dân đã chung tay góp sức cùng cộng đồng xây dựng hàng trăm cây cầu treo cho vùng nông thôn, trong đó tiêu biểu là 3 lão nông: Thạch Văn Nhơn, Phạm Văn Liếu, Nguyễn Văn Hùng. Theo lãnh đạo huyện Châu Thành cho biết, hầu hết những cầu treo trên địa bàn của huyện đều do “tam gia cầu treo” vận động đóng góp, chung sức xây dựng nên. Chính ba lão nông này đã góp phần rất lớn trong phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, làm thay đổi diện mạo nông thôn huyện Châu Thành ngày nay.
Những cây cầu treo đã hoàn toàn thay thế và xóa hẳn "cầu khỉ" ở nông thôn
Để phong trào XDNTM luôn gắn với công tác giảm nghèo bền vững, tỉnh An Giang đã ưu tiên nguồn lực đầu tư, phát triển mạnh mẽ về nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, lấy tổ chức lại sản xuất làm cơ sở, lấy ứng dụng khoa học, công nghệ làm mũi đột phá, lấy thị trường làm mục tiêu phát triển. Tập trung các giải pháp đột phá về thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu để tiêu thụ các sản phẩm mà tỉnh có thế mạnh. Tiếp tục hoàn thiện, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả sẵn có, gắn với việc xây dựng thêm các mô hình sản xuất mới. Trong đó có mô hình Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp của xã An Thạch Trung, huyện Chợ Mới là một ví dụ điển hình. Đây là một trong những hợp tác xã đang làm ăn hiệu quả, với 3 loại hình hoạt động kinh doanh dịch vụ như lò giết mổ, bơm tiêu thủy lợi và chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, với đàn bò hơn 1.700 con.
Nuôi bò thịt và bò sinh sản là mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao
Mỹ An cũng là một trong những xã của huyện Chợ Mới có nhiều hộ nông dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc chăn nuôi bò vỗ béo bằng cách nhốt chuồng (không nuôi thả như truyền thống trước đây). Mô hình nuôi bò vỗ béo này, vừa đem lại nguồn lợi kinh tế cao hơn, vừa giảm chi phí, công sức chăm sóc, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. Chính nhờ mô hình này mà nhiều người chăn nuôi nhanh chóng thu hồi vốn để tiếp tục xoay vòng đầu mở rộng chăn nuôi vươn lên ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững ở nông thôn ngày nay.