Mất oan cả hàm răng
Cách đây hơn 20 năm, ông Đỗ Hà Bắc (ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, Bình Định) bắt đầu xuất hiện những cơn đau bất thường. “Thường là đau đầu kèm theo đau răng, hoa cả mắt, căng cả hai bên má, môi giật giật”, ông lập bập kể lại. Nhìn người đàn ông với đôi má teo hóp, móm mém, chẳng ai tin ông chưa qua tuổi 50.
Ông Bắc làm rẫy ở Pleiku, Gia Lai. Mỗi lần không chịu nổi những cơn đau, ông lại tìm đến các phòng răng tư nhân, nhờ họ nhổ răng. Răng nhổ gần hết, chỉ còn vỏn vẹn 3 chiếc ở hàm dưới mà những cơn đau vẫn dai dẳng. Gần đây, từ lời khuyên của một người em làm trong ngành Y, ông tìm xuống BVĐK tỉnh, và được chẩn đoán bị đau dây thần kinh số 5.
Cùng chứng bệnh như ông Bắc là ông Võ Văn Vui, 45 tuổi, ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn. 10 năm trước, ông Vui bị đau răng thường xuyên. Đang ăn cơm, đau. Đang nằm ngủ, đau. Đang cho bò ăn, đau. “Bỏ ăn, mất ngủ, tui bắt đầu sụt ký, thậm chí còn mắc bệnh quên quên nhớ nhớ nữa chớ!”, ông Vui thuật lại, giọng chưa hết ám ảnh.
Tuy nhiên, ông Vui tự nhận mình là người may mắn, nếu so với sự “bi đát” của ông Bắc. Những ngày đầu khởi bệnh, ông Vui đến BVĐK tỉnh khám, được các bác sĩ “bắt trúng”, chỉ rõ căn nguyên là dây thần kinh số 5 bị trục trặc. Và được căn dặn kỹ càng, mạch lạc rằng, cơn đau không nằm ở cái răng, nếu có ai đòi nhổ nó thì nhất quyết không được cho người ta nhổ. Nhờ đó, ông bảo toàn được cả 2 hàm răng, chẳng có cái nào suy suyển. “Bù lại, tui phải uống cà phê để giảm bớt cảm giác đau, có ngày uống đến 10 ly. Nhiều bữa đau không chịu nổi, tui ráng uống rượu cho thiệt say để ngủ mà quên cơn đau”, ông Vui thật thà kể.
Ngày 1.7, ông Bắc được phẫu thuật giải ép vi mạch. Trước đó 2 ngày, ông Vui cũng lên bàn mổ. Ê-kip phẫu thuật do bác sĩ Đào Văn Nhân và bác sĩ Đỗ Anh Vũ phụ trách. Mỗi ca mổ kéo dài chưa tới 100 phút, không truyền máu. Các bác sĩ đã cưa mở sọ sau tai phải với chiều dài khoảng 2cm, dùng hệ thống kính vi phẫu bóc tách dây thần kinh số 5 tại góc cầu tiểu não (điểm xuất phát của dây thần kinh số 5). Sau đó, dùng miếng Teflon ngăn cách dây thần kinh số 5 và mạch máu. Sau ca mổ 1 ngày, cả hai đều trở lại sinh hoạt bình thường, chấm dứt những cơn đau bất chợt, cắc cớ.
Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống Đào Văn Nhân cho biết, trước đây, đau dây thần kinh số 5 thường được cho là “vô căn”. Gần đây, khi các phương tiện cận lâm sàng phát triển, nhất là chụp cộng hưởng từ (MRI), nguyên nhân được xác định là do động mạch tiểu não sau trên (hoặc các nhánh nhỏ khác của động mạch ở góc cầu tiểu não) chèn vào dây thần kinh số 5 gây ra tình trạng đau.
Để điều trị chứng đau dây thần kinh số 5, đầu tiên có thể dùng thuốc Carbamazepine. Tuy nhiên, loại thuốc đặc hiệu này dễ gây phản ứng phụ, như bệnh nhân Võ Văn Vui đã bị lột da khi dùng thuốc này. Phương pháp điều trị thứ 2 là can thiệp tối thiểu vào dây thần kinh tam thoa. Các bác sĩ sẽ chọc vào hạch trên mặt, dùng sóng cao tần đốt hạch Gasser vùng mặt. Song, biện pháp này dễ dẫn đến tái phát (tỉ lệ đến 80-90% sau 1 năm).
Hiện nay, cùng với một số ít bệnh viện lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, BVĐK tỉnh đã triển khai thành công kỹ thuật này. Từ năm 2014 đến nay, các bác sĩ BVĐK tỉnh đã phẫu thuật cho 6 bệnh nhân mắc chứng đau dây thần kinh số 5. Bác sĩ Nhân cho biết, trong số các bệnh nhân được điều trị tại BVĐK tỉnh, từng có một phụ nữ đã nhổ sạch răng, thay cả bằng răng giả mà vẫn không hết đau răng.
Theo bác sĩ Nhân, dấu hiệu điển hình để phân biệt cơn đau do dây thần kinh số 5 bị chèn ép với các cơn đau răng thông thường là ngoài cơn đau không còn biểu hiện gì khác. Cơn đau thường kéo dài từ 10-20 giây đến tối đa 1-2 phút, sau cơn đau có cảm giác tê bì vùng dây thần kinh chi phối, nhất là vùng 2 bên má. Cơn đau càng xuất hiện nhiều khi có các cử động ở vùng mặt, như khi ăn, uống.
“Để phát hiện và điều trị hiệu quả chứng đau dây thần kinh số 5, bên cạnh ý thức của người bệnh, các nhân viên y tế - nhất là người làm trong lĩnh vực nha khoa - không được tùy ý nhổ răng của người bệnh khi chưa biết chính xác nguyên nhân gây đau răng”. Bác sĩ ĐÀO VĂN NHÂN, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, BVĐK tỉnh. |