Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Pháp luật

Án oan và hậu oan án

Hình như thời buổi bây giờ, những lời cảm ơn, xin lỗi cũng trở nên dễ dãi, thải thừa. Thay vì phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, lao tâm khổ tứ để trả ơn, hay khắc phục hậu quả, lỗi lầm đã gây ra, họ buông lời xin lỗi, cảm ơn hững hờ, vô hồn...

46 năm mang án oan tử hình, người đàn ông 81 tuổi đi đòi công lý.Ảnh: Internet.

Không những thế, con bài cảm ơn, xin lỗi còn được một số người sử dụng như cái khiên che chắn, lấp liếm sự vô cảm, vô trách nhiệm.

Trong chương trình “Thời sự 19 giờ” của VTV1, tối 6/8/2016, có phát phóng sự: “Xử lý oan sai trong vụ án cách đây 46 năm”. Phóng sự nêu về vụ ông Trần Văn Thêm, ở xã Yên Phu (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), năm 1970, bị TAND tỉnh Vĩnh Phúc tuyên phạt tử hình do phạm các tội giết người và cướp tài sản. Năm 1975, một đối tượng khai nhận, chính hắn là thủ phạm gây ra vụ giết người, cướp của trên. Chánh án TAND tối cao có quyết định hủy hai bản án xử ông Thêm, giao TAND tỉnh Vĩnh Phúc xử lại vụ án trên. Cùng năm ấy ông Trần Văn Thêm được trả tự do.

Trở về sống với gia đình, với bà con làng xóm, nhưng cái án giết người, cướp của vẫn treo lơ lửng trên đầu ông Thêm, và 46 năm qua, trong “lý lịch tư pháp” ông vẫn là tên tội phạm nguy hiểm, là kẻ giết người, cướp của.

Gần ba chục năm mỏi mòn chờ đợi, vẫn không có được cái giấy minh oan của Tòa án, năm 2005, ông làm đơn đề nghị TAND Tối cao xem xét trả lại công bằng cho ông, để ông  được làm một công dân bình thường.

Theo phóng sự, trong tháng 8/2016 này, TAND Tối cao sẽ xem xét và có quyết định minh oan cho ông Thêm. Tại sao công lý lại lẫm chẫm đến với ông Thêm và gia đình ông như vậy ?. Huyện Yên Phong quê ông chỉ cách TAND Tối cao khoảng 60 cây số, vậy mà gần 11 năm, kể từ khi ông có đơn, “đèn giời” mới bắt đầu soi đến?. Phóng sự cho biết, nguyên cớ tại đơn của ông Thêm không ghi bản án nên Tòa phải xác minh …hơi lâu (!).

Cái lý trên nghe thật ngược, thật chối.  Nếu thực sự chí công vô tư, liêm chính,vì dân, đau với nỗi đau của con người, thì chẳng cần phương tiện giao thông, hay công nghệ thông tin như hiện nay, mà chỉ cần điều tra theo phương pháp “thủ công”, đơn sơ của 40, 50 năm trước, sau vài ba ngày, những người thi hành công vụ thừa sức làm sáng rõ, vụ án ông Trần Văn Thêm xử năm nào, bản án ra phán quyết oan đang ở đâu. Vậy mà gần 4000 ngày, kể từ khi ông Thêm gửi đơn,  họ mới tìm ra các bản án để và giải quyết; gần 15 000 ngày, kể từ ngày ông Thêm được thả về làng, công lý mới tìm đến. Ngày bị kết án oan là thanh niên trai tráng, tuổi mới ngoài ba mươi, nay được minh oan cái thân đã “gần đất xa trời”. Nỗi đau không chỉ phủ lấy cuộc đời ông, mà còn xuyên thấu, liên lụy đến với vợ con, cháu chắt, những người thân khác của ông. Liệu có số tiền nào, lời xin lỗi nào bù đắp, khỏa lấp những buồn đau, tủi hận, trả lại cho ông, cho gia đình  ông cuộc sống bình yên, thân thiện với mọi người như  46 năm trước, khi ông chưa bị bắt bớ, oan tù ?. Nhà thơ Chế Lan Viên có viết: “Vết thương lành chỗ cắt vẫn còn đau”. Đừng dửng dưng, vô cảm với nỗi đau của con người. Thời hiện đại mọi trò lố, mọi ngụy biện, xảo trá sớm muộn rồi cũng bị lật tẩy. Người xưa răn: “Lưới trời tuy thưa mà khó lọt”. Lưới trời là Dân đấy. Đừng xem thường Dân, dẫu họ quanh năm chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tầm nhìn chưa vượt lũy tre làng.