Báo cáo Vai trò của an sinh xã hội trong xóa bỏ lao động trẻ em: Đánh giá bằng chứng và hàm ý chính sách, đưa ra bằng chứng từ một số nghiên cứu được thực hiện từ năm 2010 cho thấy an sinh xã hội góp phần làm giảm lao động trẻ em và tạo điều kiện cho trẻ em đến trường bằng cách giúp các gia đình đối phó với những cú sốc về kinh tế hay y tế.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho biết, mới có quá ít tiến bộ đạt được trong việc đảm bảo mọi trẻ em đều được hưởng các chế độ an sinh xã hội. 73,6% dân số trẻ em, tương đương với khoảng 1,5 tỷ trẻ em trong độ tuổi từ 0-14 trên toàn thế giới không được hưởng trợ cấp gia đình hay trợ cấp cho trẻ em bằng tiền mặt. Báo cáo cho rằng khoảng trống lớn này cần phải được thu hẹp và nhanh chóng xóa bỏ.
Ông Guy Ryder, Tổng giám đốc ILO, cho biết: “Có nhiều lý do để đầu tư vào an sinh xã hội toàn dân, trong đó xóa bỏ lao động trẻ em là một trong những lý do thuyết phục nhất xét đến tác động của vấn đề này đối với quyền và phúc lợi của trẻ em”.
Các chính phủ đã xây dựng một loạt các chính sách mà họ có thể triển khai để thúc đẩy an sinh xã hội. Nghiên cứu cho biết, nếu các nhà hoạch định chính sách không hành động một cách quyết đoán thì đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột đang diễn ra, đói nghèo gia tăng và biến đổi khí hậu sẽ càng khiến tình trạng lao động trẻ em tăng cao.
Thống kê cho thấy, hơn 160 triệu trẻ em trên toàn thế giới – tức một phần mười trẻ em trong độ tuổi 5-17 tuổi - vẫn đang tham gia lao động trẻ em và tiến bộ đạt được trong xóa bỏ lao động trẻ em đã bị đình trệ kể từ năm 2016. Những xu hướng này đã xuất hiện ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 xảy ra. Ước tính rằng, nếu không có các chiến lược giảm thiểu, con số lao động trẻ em có thể tăng thêm 8,9 triệu vào cuối năm 2022 do tình trạng nghèo đói và dễ bị tổn thương gia tăng.
Báo cáo kêu gọi thu hẹp khoảng trống trong diện bao phủ an sinh xã hội, nghĩa là vẫn còn 1,5 tỷ trẻ em vẫn chưa được hưởng trợ cấp gia đình hoặc trợ cấp cho trẻ em bằng tiền mặt.
Để củng cố hệ thống an sinh xã hội nhằm ngăn ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em, báo cáo đưa ra một số khuyến nghị như sau:
- Thu hẹp khoảng trống trong diện bao phủ an sinh xã hội cho trẻ em. Điều này có nghĩa là ưu tiên quyền lợi của trẻ em, cũng như mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới 2 tỷ lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, qua đó hỗ trợ họ chuyển dịch từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức.
- Xây dựng hệ thống an sinh xã hội tích hợp. Việc giảm thiểu lao động trẻ em sẽ dễ dàng hơn nếu các quốc gia có hệ thống an sinh xã hội cung cấp đầy đủ các quyền lợi cả đời, từ trợ cấp trẻ em và gia đình, trợ cấp thai sản và thất nghiệp đến lương hưu cho người già cũng như chế độ bảo vệ sức khỏe.
- Đảm bảo rằng các chương trình an sinh xã hội được thiết kế toàn diện và nhạy cảm với lao động trẻ em. Làm như vậy sẽ giúp giảm thiểu lao động trẻ em và để làm được như vậy đòi hỏi:
- Đảm bảo trợ cấp cho trẻ em và gia đình để tất cả các hộ gia đình có trẻ em, đặc biệt là những hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất, có thể được tiếp cận.
- Giúp người chăm sóc dễ dàng nhận trợ cấp an sinh xã hội bằng cách đơn giản hóa thủ tục đăng ký và triển khai các cơ chế chi trả trợ cấp khác nhau.
- Tăng cường đầu tư cho giáo dục cơ bản phổ cập có chất lượng và các dịch vụ xã hội quan trọng khác cho trẻ em bên cạnh các chương trình an sinh xã hội.
- Lấy những cam kết chính trị mạnh mẽ đối với việc xóa bỏ lao động trẻ em và thiết lập an sinh xã hội toàn dân làm đòn bẩy nhằm tăng cường sự đồng thuận trong hành động. Chương trình Nghị sự về Phát triển Bền vững và sự đồng thuận mạnh mẽ đạt dược tại Hội nghị Lao động Quốc tế năm 2021, cũng như kết quả của hội nghị về lao động trẻ em tại Durban, có thể giúp điều phối các sáng kiến quốc tế.
- Thúc đẩy đầu tư vào hệ thống an sinh xã hội dưới góc độ là một động lực của phát triển. Gần như tất cả các quốc gia đều có khả năng huy động các nguồn lực trong nước để từng bước đầu tư củng cố hệ thống an sinh xã hội cho trẻ em.