Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

An toàn vệ sinh lao động: Trách nhiệm của tất cả mọi người

Đánh giá về công tác ATVSLĐ năm 2015, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục ATLĐ cho rằng: “Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác ATVSLĐ nhưng tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ trong năm 2015 vẫn diễn biến rất nghiêm trọng, số vụ TNLĐ tăng, số người chết do TNLĐ và số vụ cháy đều tăng”.

Bài 1: Tai nạn lao động vẫn chưa giảm

Để bảo vệ các quyền lợi của người lao động, đảm bảo sản xuất, an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Đảng, Nhà nước cũng như các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp luôn quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Thông qua việc xây dựng các văn bản pháp luật, công tác thanh kiểm tra, trang bị bảo hộ lao động, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục  pháp luật lao động nói chung, cũng như pháp luật về ATVSLĐ nói riêng cho người lao động. Tuy nhiên trong nhiều năm qua tình hình tai nạn lao động vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Để chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động (TNLĐ), tìm ra những giải pháp hạn chế, giảm thiểu tối đa các vụ và thiệt hại do TNLĐ gây ra, nhóm phóng viên về ATLĐ đã cùng các chuyên gia và những người làm công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về công tác ATVSLĐ đã thực hiện loạt bài: “An toàn vệ sinh lao động: Trách nhiệm của tất cả mọi người”. Với nội dung nhìn nhận, đánh giá tình hình, hậu quả, nguyên nhân mất ATVSLĐ ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là ở những ngành, lĩnh vực  xảy ra nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng; công tác thanh kiểm tra, quản lý nhà nước về ATVSLĐ, giúp các cơ quan có trách nhiệm, các doanh nghiệp, cũng như người lao động nhận diện đúng những nguyên nhân, đề ra những biện pháp, giải pháp hữu hiệu, để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.

Cần phải kiểm tra thường xuyên thiết bị máy móc để đảm bảo ATLĐ. Ảnh: Lê Duy

Những con số khô khan trong năm 2015

Theo báo cáo từ các địa phương năm 2015, toàn quốc đã xảy ra 7.620 vụ TNLĐ làm 7.785 người bị nạn, trong đó: Số vụ TNLĐ chết người: 629  vụ; số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên: 79 vụ; số người chết do TNLĐ: 666 người; số người bị thương nặng do TNLĐ: 1.704 người, nạn nhân là lao động nữ: 2.432 người. Trong đó, lĩnh vực xây dựng chiếm 35,2% tổng số vụ tai nạn chết người và 37,9% tổng số người chết, tiếp đến là các lĩnh vực cơ khí chế tạo, khai thác khoáng sản, sản xuất nông lâm nghiệp,...

Trong năm 2015, ngành y tế đã phát hiện được 8.966 trường hợp nghi mắc bệnh nghề nghiệp (tăng 31,9%). Trong đó bệnh bụi phổi silic (1.369 trường hợp), bệnh bụi phổi bông (56 trường hợp), bệnh viêm phế quản nghề nghiệp (127 trường hợp), bệnh bụi phổi than (5 trường hợp), bệnh nhiễm độc chì và các hợp chất của chì (181 trường hợp), bệnh nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp (16 trường hợp), bệnh nhiễm độc TNT nghề nghiệp (185 trường hợp), bệnh điếc nghề nghiệp (6.567 trường hợp), bệnh rung chuyển nghề nghiệp (44 trường hợp), bệnh sạm da nghề nghiệp (280 trường hợp)...

Năm 2015, cả nước xảy ra 2.792 vụ cháy làm chết 62 người, bị thương 264 người, tiêu hủy về tài sản trị giá 1.498,3 tỷ đồng và 1.623,2 ha rừng; xảy ra 35 vụ nổ, làm chết 12 người, bị thương 41 người, thiệt hại về tài sản 896 triệu đồng.

Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ

Qua phân tích cho thấy, TNLĐ làm chết người nhiều nhất là ngã từ trên cao chiếm 28,1% tổng số vụ và 26,4% tổng số người chết; điện giật chiếm 18,9% tổng số vụ và 17,2% tổng số người chết; vật rơi, đổ sập chiếm 16,8% tổng số vụ và 22,6% tổng số người chết. Ngoài ra còn có các yếu tố tai nạn giao thông; máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn và vật văng bắn,... cũng gây nhiều TNLĐ thương tâm.

 Nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 52,8%, cụ thể: Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 25,2% tổng số vụ; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 14,3% tổng số vụ; người sử dụng lao động không huấn luyện ATLĐ cho người lao động chiếm 9,7% tổng số vụ; do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 2,6% tổng số vụ; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân  trong lao động chiếm 1%. Về nguyên nhân người lao động chiếm 18,9%, cụ thể: Người lao động bị nạn vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 17,2% tổng số vụ và người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 1,7% tổng số vụ, nguyên nhân còn lại chiếm 28,3%.

Nguyên nhân của tình hình tai nạn, cháy nổ còn nghiêm trọng, chủ yếu do số lượng doanh nghiệp tăng nhanh trong những năm gần đây (từ 250.000 doanh nghiệp năm 2005, lên 650.000 doanh nghiệp năm 2015), nên năng lực bộ máy làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATVSLĐ -PCCN từ Trung ương đến địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý. Hiện mỗi tỉnh chỉ có từ 3 - 4 cán bộ làm công tác thanh tra và quản lý về ATLĐ (trừ một số thành phố lớn), tỷ lệ thanh tra có chuyên môn rất thấp (khoảng 30%). Một số địa phương không có thanh tra chuyên môn về ATLĐ; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không được thanh tra, kiểm tra kịp thời để ngăn ngừa TNLĐ; chế tài xử phạt còn quá nhẹ, rất ít (mỗi năm chỉ có 2-3 vụ) vụ TNLĐ nghiêm trọng bị khởi tố và truy tố bị can, nên tính răn đe còn hạn chế; một số cơ quan quản lý các cấp và chủ các cơ sở chưa thực sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cho công tác ATVSLĐ.  Ý thức tuân thủ pháp luật về ATLĐ của một bộ phận không nhỏ người sử dụng lao động còn thấp. Công nghệ sản xuất ở nhiều ngành còn lạc hậu, điều kiện lao động không đảm bảo ATVSLĐ, nhất là trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng, cơ khí luyện kim, đóng tàu...  lao động thủ công chiếm tới 70%, nhiều công đoạn trong dây chuyền sản xuất, người lao động phải làm việc trong điều kiện lao động có nguy cơ mất an toàn; bên cạnh đó, còn tình trạng một bộ phận người sử dụng lao động không quan tâm đầu tư cho công tác ATVSLĐ thiếu xây dựng, ban hành quy trình làm việc an toàn; huấn luyện ATLĐ còn mang tính hình thức, đối phó. Một bộ phận không nhỏ người lao động chưa được đào tạo nghề, chưa được huấn luyện ATVSLĐ, thiếu ý thức tác phong làm việc công nghiệp nên vi phạm các quy định, quy trình biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp gây TNLĐ cho bản thân và những người cùng làm việc.

Các giải pháp nhằm giảm thiểu TNLĐ

Trao đổi về công tác ATVSLĐ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng trong năm 2016 là triển khai Luật ATVSLĐ và nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường hoạt động phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và mở rộng phạm vi, đối tượng của công tác ATVSLĐ được đến mọi người lao động trong cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực không có quan hệ lao động; thiết lập chặt chẽ hơn hệ thống kiểm soát rủi ro ở các cấp, nơi làm việc, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý và đầu tư cho công tác ATVSLĐ trong đó ưu tiên các hoạt động: Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản pháp quy dưới luật về ATVSLĐ và hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ. Hoàn thiện hệ thống tổ chức và tăng cường hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, trước hết là nghiên cứu xây dựng hệ thống tổ chức thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ từ Trung ương đến địa phương và tổ chức thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ trong các lĩnh vực.

Từng bước tăng cường cả về số lượng và chất lượng thanh tra viên về ATVSLĐ, bảo đảm cho các đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng máy, thiết bị, vật tư, hóa chất độc hại phải được kiểm tra, thanh tra ít nhất mỗi năm một lần. Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, tập trung xây dựng chương trình hành động, kế hoạch và tổ chức triển khai các chính sách, chương trình, dự án ATVSLĐ; tiếp nhận nguồn lực của Trung ương và huy động nguồn lực tại chỗ; quản lý nhà nước các hoạt động sự nghiệp ATVSLĐ do Trung ương chuyển giao về địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện chính sách ATVSLĐ ở địa phương, nhất là trong doanh nghiệp...

(Còn nữa)