Ảnh minh họa
Vì tiền mà mất tình anh em
Choang, choang…, tiếng bát đĩa vỡ, tiếng khóc của phụ nữ, tiếng la hét của trẻ con, tiếng gầm gừ của những gã đàn ông hòa quyện trong một không gian đặc quánh sự sợ hãi, sự tức giận, sự bất lực và thoáng chút bi ai.
Chỉ vì bố mẹ bán nhà, phân chia không đều mà anh em Huy – Hoàng gây gổ, cãi lộn, giờ là lao vào đánh nhau. Tình nghĩa anh em coi như chấm hết từ đây.
Chả là bố mẹ Huy và Hoàng năm nay đã ngoài 70. Nghĩ tuổi mình đã gần đất xa trời, bố mẹ hai anh quyết định bán ngôi nhà lớn mà ông bà đang ở để chia cho các con. Nhà bán được 10 tỷ, ông bà tính về ở với người anh, nên cho anh 5 tỷ, cho em 3 tỷ, còn 2 tỷ ông bà gửi ngân hàng để lấy tiền tiết kiệm chi tiêu thêm mỗi tháng.
Người em nghĩ cha mẹ không công bằng, hai anh em phải chia đều nhau, một là, anh 5 tỷ, em 5 tỷ; không thì anh 4 tỷ, em 4 tỷ, 2 tỷ vẫn gửi tiết kiệm coi như tiền dưỡng già của bố mẹ, còn chuyện bố mẹ ở nhà con trai trưởng là chuyện đương nhiên, không thể vì thế mà thiên vị người anh được.
Người anh thì nghĩ mình phải nuôi cả hai bố mẹ già, ăn uống, chăm sóc hàng ngày, đương nhiên được phần hơn cũng là chuyện hợp lý. Hơn nữa, đây là ý của bố mẹ, bố mẹ chia thế nào thì cứ thế làm theo thôi. Mà 5 tỷ ấy, người anh đã mua nhà mới to hơn để thêm một phòng ở cho bố mẹ rồi, đâu còn đồng nào để chia lại cho người em.
Đầu tiên, họ chỉ chiến tranh lạnh, bằng mặt chứ không bằng lòng, sau thì khó chịu ra mặt. Lấy cớ người em lâu rồi không gửi đồ cúng lễ tổ tiên, người anh giáo huấn cho một bài. Người em bị giáo huấn thì khó chịu, vì cho rằng, đó là việc của bác trưởng, cái gì bác cũng được phần hơn, cớ sao lại đi so đo tính toán chuyện đồ cúng giỗ với phận em út. Lời qua tiếng lại, từ chuyện nọ sang chuyện kia, chung quy cũng tại 5 tỷ to hơn 3 tỷ, cuối cùng thì trận chiến đã xảy ra.
Kể từ lần va chạm đó, người em không đến nhà người anh nữa, điều đó cũng đồng nghĩa, người con út không đến thăm bố mẹ. Anh em trong gia đình bất hòa, khổ nhất vẫn là cha mẹ. Biết thế, chẳng bán nhà, chia chác gì, con cái cứ tự thân mà vận động. Có cái nhà to đẹp, cuối tháng con cháu về quây quần với ông bà, thế có khi cuộc sống lại yên bình, già yếu thì thuê một người giúp việc trông nom, dọn dẹp. Giờ về ở với con trưởng, con thứ dằn dỗi không đến thăm bố mẹ, tiền nhiều mà có vui đâu. Giờ tiền đưa con cái hết rồi, đòi lại cũng chẳng được, đứng ra hòa giải mà chuyện cũng chẳng tiến triển gì. Hai ông bà già sống được bao lâu nữa đâu, thật không ngờ, cuối đời lại phải sống cảnh buồn lòng vì con cái thế này.
Trong thực tế cuộc sống, chuyện phân chia tài sản chưa bao giờ là dễ với bất cứ gia đình nào. Rất khó để chia đều cho các con vì có thể có người đã được cho một phần tài sản trước đó, hoặc có thể do điều kiện kinh tế, hoàn cảnh sống của các con khác nhau mà bố mẹ lựa theo đó phân chia cho phù hợp. Có người con hiểu và tôn trọng quyết định của bố mẹ, nhưng có người không hài lòng với những gì được chia, quyết phải đòi chia theo ý mình. Vậy là xảy ra bất hòa, bất ổn. Chính vì thế, nhiều ông bố bà mẹ chỉ phân chia tài sau sau khi họ đã mất, di chúc không tiết lộ với bất cứ ai, và giao cho luật sư hoặc một người thân tín quản lý, tránh để các con mâu thuẫn vì tiền.
Anh em bất hòa, cha mẹ là người khổ tâm nhất. Ảnh minh họa
Làm sao để quan hệ anh chị em tốt đẹp?
Anh chị em trong gia đình có thể mâu thuẫn vì rất nhiều lý do, vì cha mẹ đối xử không công bằng, yêu con này hơn con khác; vì điều kiện sống không giống nhau, một người thành đạt, một người nghèo khó chẳng hạn; vì quan điểm, lối sống quá khác biệt, một người quá hiếu thắng, còn một người lại chỉ thích an phận… Có rất nhiều lý do để anh chị em ruột thịt vẫn có thể bất hòa, mâu thuẫn. Để hạn chế hoặc cải thiện các xung đột này, vai trò của cha mẹ rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả là ý thức của mỗi người con. Cho dù cha mẹ có công bằng đến mấy, có cố gắng hòa giải đến mấy mà người con ích kỷ, hẹp hòi, hay so đo, tính toán thì cũng chẳng thể nào thay đổi được suy nghĩ cũng như cách ứng xử.
“Anh em trên kính dưới nhường, là nhà có phúc, mọi đường yên vui” – để làm được điều này, anh chị em trong gia đình cần biết yêu thương, chia sẻ, đùm bọc nhau.
Hãy thường xuyên trò chuyện, gặp gỡ bởi đôi khi hiểu lầm hay mâu thuẫn xảy ra là do anh chị em đã lâu ngày không nói chuyện, dẫn đến xa cách và hiểu nhầm nhau.
Hãy học cách lắng nghe. Muốn hiểu con thì phải lắng nghe con, muốn hiểu lòng cha mẹ thì phải thường xuyên hỏi han, trò chuyện; muốn biết sếp muốn gì, nhân viên cần gì, bạn cũng phải học cách lắng nghe. Lắng nghe là bí quyết để bạn có thể hiểu mọi người. Trước khi nghi ngờ, to tiếng hay tranh cãi với anh chị em trong gia đình, hãy lắng nghe họ để hiểu họ muốn gì và vì sao lại cư xử như thế.
Nhận lỗi và sửa sai. Nếu bạn làm một điều gì sai trái với anh chị em trong gia đình, hãy dũng cảm nhận lỗi và sửa sai. “Đánh kẻ chạy đi, chứ ai đánh kẻ chạy lại”, nhất là anh em một nhà, chắc chắn bạn sẽ được mọi người tha thứ và yêu thương.
Hãy nhờ tới một người thứ ba giúp đỡ, đó có thể là cha mẹ bạn, hoặc một người có uy tín và công bằng đứng ra hòa giải và gỡ rối những vướng mắc trong quan hệ anh chị em.
Và trong một số trường hợp, bạn buộc phải thay đổi hoặc nhường nhịn để thỏa hiệp và “hạ nhiệt” mối quan hệ. Xung đột không thể được tháo gỡ nếu ai ai cũng khăn khăng ý mình và chỉ biết nghĩ đến mình. “Anh em như thể chân tay, rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần” – hãy ghi nhớ điều này.
Bình Yên/Tc GĐ&TE