Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương là ba trong những gương mặt âm nhạc sáng giá của Sài Gòn một thưở. Nhạc tình của Phạm Duy mang nặng niềm trăn trở, của Trịnh Công Sơn thì day dứt, còn Lê Uyên Phương thì tràn đầy nỗi khát khao về tình yêu.
Trong đêm nhạc này, khán giả sẽ gặp lại những ca khúc nồng nàn của Lê Uyên Phương. Đó là "Vũng lầy của chúng ta", "Tình khúc cho em" và "Uống nước bên bờ suối". Đây là những ca khúc được Lê Uyên Phương viết vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20 và được ấn hành trong tập ca khúc Lê Uyên Phương mang tên "Khi loài thú xa nhau". Âm nhạc Lê Uyên Phương nồng nàn, khắc khoải những băn khoăn thời cuộc và nhiều dấu vết nhạc cảm qua giọng hát Lê Uyên. Có thể nói, sau bao năm, sau bao giông gió cuộc đời, giọng hát Lê Uyên vẫn thế khi chị thể hiện những ca khúc này dưới vòm cổ kính của Nhà hát lớn Hà Nội, nơi kinh thành mà khi xưa Lê Uyên được sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hàng Bồ. Một thời yêu nhau trong lo âu khắc khoải đã hiện ra trong âm nhạc Lê Uyên Phương.
Bên cạnh những giai điệu nồng nàn của Lê Uyên Phương, ba ca khúc của Phạm Duy "Dạ khúc", "Mùa thu chết" và "Nước mắt mùa thu" của nhạc sĩ Phạm Duy cũng hứa hẹn mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới, lạ. Đây cũng là những ca khúc được viết cùng thời với ba ca khúc trên của Lê Uyên Phương. "Mùa thu chết" đã từng là một tuyệt phẩm mà Phạm Duy phỏng theo Guillaume Apllinaire cũng rất nổi tiếng "Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo - Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi...". Nỗi trăn trở của Phạm Duy còn loang trong "Nước mắt mùa thu" khi: "Nước măt mùa thu khóc ai trong chiều - bóng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu...". Một niềm trăn trở uể oải và mờ ảo, một cái nhìn vô định, đặc biệt là với tâm trạng mong manh, ca sĩ Lệ Thu như thổi hồn vào những ca khúc nổi tiếng của Phạm Duy.
Điểm đặc biệt nữa trong “Dạ khúc cho tình nhân” là bốn ca khúc của nhạc sĩ tài ba họ Trịnh: "Lặng lẽ nơi này", "Khúc âm buồn", "Người mẹ ô lý", "Ca dao mẹ". Trừ "Lặng lẽ lời này" được Trịnh Công Sơn viết vào cuối thập kỷ 80 khi đất nước đã thống nhất nhiều năm, ba bài sau đều được viết trong những năm khói lửa chiến tranh. Các ca khúc của Trịnh Công Sơn sẽ được thể hiện qua giọng ca Ánh Tuyết, Quang Thành.
Không chỉ là những ca khúc đã “mặc định” cho tên tuổi của các ca sĩ, trong dịp này, khán giả cũng sẽ được trở lại với Phạm Duy qua "Tóc mai sợi ngắn sợi dài", "Nghìn trùng xa cách" và "Áo anh sứt chỉ đường tà" với sự trở lại sàn diễn của Lê Uyên. Các ca khúc của Trịnh Công Sơn như "Hạ trắng", "Nắng thủy tinh" và "Ru em từng ngón xuân hồng" với sự trở lại sàn diễn của Lệ Thu. Và để khán giả tiếp tục được thưởng thức âm nhạc Phạm Duy trong bữa tiệc nhạc tình đầy quyến rũ này, Ánh Tuyết đã trở lại sàn diễn với "Hẹn hò". "Nếu một mai em sẽ qua đời" và "Tình hoài thương".
Theo BTC, đây là lần đầu tiên âm nhạc của Lê Uyên Phương qua thể hiện của Lê Uyên tại Nhà hát lớn. Rất tiếc là tác giả Lê Uyên Phương đã không còn để chứng kiến sự hiện diện âm nhạc của mình trên sàn diễn Thủ đô. Ông đã qua đời vì bạo bệnh năm 1999. Bởi thế, ở phần khép lại của đêm "Dạ khúc cho tình nhân", người mến mộ âm nhạc đất Thăng Long xưa đã không bị phụ lòng khi thưởng thức bữa tiệc nhạc tình này do CTy Đông Đô Show thực hiện. Chương trình đã khép lại với ca khúc mang tên cho cả đêm diễn là "Dạ khúc cho tình nhân" với "Bài ca hạnh ngộ" lần lượt do Lê Uyên , rồi Lê Uyên - Quang Thành song ca và cuối cùng là Lê Uyên, Ánh Tuyết, Quang Thành và nhóm bè với "Cho lần cuối". Có thể nói "Dạ khúc cho tình nhân" hứa hẹn sẽ trở thành một bữa tiệc nhạc tình sẽ là khởi đầu cho một năm mới nhiều hân hoan và niềm vui.