Cô gái vàng của bơi lội Việt Nam đã không thể có một cái kết như ý, khi chỉ về thứ 6 ở nội dung cuối cùng, 100 mét bơi bướm với thành tích 1 phút 1 giây 53, kém nhà vô địch Tao Li gần 2 giây. Đó là một kết quả thất vọng, nhưng phần nào đã được dự đoán bởi Ánh Viên vốn không mạnh ở những cự li ngắn.
Dẫu sao, SEA Games 2015 vẫn là một kỳ đại hội hết sức đáng nhớ đối với Ánh Viên, người đã giành 8 HCV trong số 12 nội dung cô tham gia, lập 8 kỷ lục. Thành tích của Ánh Viên chỉ kém đúng 1 HCV so với ngôi sao của bơi lội Singapore Joseph Schooling. Kình ngư 20 tuổi này giành 9 HCV ở cả 9 nội dung mà anh tham gia, phá 9 kỷ lục SEA Games.
Schooling giành nhiều HCV hơn Ánh Viên...
Nếu chỉ căn cứ vào những con số, Schooling vẫn được đánh giá là thành công hơn Ánh Viên. Nhưng nếu kình ngư này đoạt danh hiệu VĐV xuất sắc nhất giải, không ít người vẫn sẽ cảm thấy lấn cấn - trong đó có cả các CĐV trung lập chứ không riêng gì Việt Nam. Lý do, chiến tích của Ánh Viên cho thấy nỗ lực cá nhân lớn hơn so với Schooling.
Chính HLV Sergio Lopez của Joseph Schooling cũng cảm thấy rằng rất khó để đưa ra quyết định này. Khi tờ Today của nước chủ nhà Singapore thăm dò ý kiến là Ánh Viên hay Schooling xuất sắc hơn, ông cho biết: “Viên là một VĐV xuất sắc và hiện các kĩ năng đẩy, bứt lên đã tiến bộ rất nhiều. Tôi ngả mũ trước khả năng bơi được tất cả các kĩ năng của Viên. Tôi biết môi trường tập luyện của em ấy, biết em đã phải hy sinh nhiều ra sao để có được ngày này. Học trò Joseph của tôi cũng đã phải xa nhà từ khi còn rất nhỏ”.
Đó là một sự ghi nhận khách quan của Lopez, người cũng đã từng hướng dẫn Ánh Viên khi cô sang Mỹ cách đây vài năm. Tại SEA Games 2015, kình ngư 18 tuổi này đã đăng ký 12 nội dung, ở 4 thể loại bơi và đều là các nội dung cá nhân. Trong bộ sưu tập của cô không hề có nội dung nào thuộc thể loại tiếp sức.
...Nhưng Ánh Viên giành nhiều HCV cá nhân hơn Schooling
Schooling đã lập kỷ lục 9 HCV, nhưng ba trong số đó là ở các nội dung tiếp sức, vốn phụ thuộc vào thành tích của cả các đồng đội nữa. Chẳng hạn như ở nội dung 4x100m tự do, đội tuyển Singapore giành HCV, nhưng thành tích cá nhân của Schooling là 49 giây 74, kém đồng đội Quah Zheng Wen (49 giây 48).
Tranh cãi về việc Ánh Viên hay Schooling xuất sắc hơn chắc chắn còn tốn rất nhiều giấy mực, song rõ ràng ở cấp độ khu vực, họ là gương mặt nổi trội hơn tất cả. “Tôi hạnh phúc vì mình đã giành 9 HCV, và phá 9 kỷ lục SEA Games, nhưng tôi có thể làm tốt hơn nữa. Tôi vẫn còn có thể cải thiện nữa”, Schooling khẳng định và không giấu diếm ý đồ giành huy chương tại Olympic. Ánh Viên cũng từng tuyên bố tương tự, rằng “Nếu tôi hài lòng với những gì đã đạt được, thì coi như tôi đã thất bại”.
Schooling đã kết thúc một kỳ SEA Games hoàn hảo nhưng Ánh Viên thì không, và đó sẽ là một động lực để cô cố gắng hơn nữa. “Tôi rất muốn chiến thắng ở nội dung 100m bướm, nhưng quả thực đã mệt mỏi lắm rồi. Có lẽ tôi đã tham dự quá nhiều nội dung”. Ánh Viên lý giải cho thất bại ở nội dung cuối cùng của mình, và cô cũng xác định rõ mục tiêu kế tiếp của mình “Tôi hy vọng sẽ thi đấu tốt hơn, ở tầm thế giới, hoặc Olympic, có thể là ở nội dung 400m hỗn hợp cá nhân”.
Joseph Schooling (9 HCV, 9 kỷ lục SEA Games) 50m tự do (22.47) 100m tự do (kỷ lục 48.58) 50m bướm (kỷ lục 23.49) 100m bướm (kỷ lục 52.13) 200m bướm (kỷ lục 1:55.73) 200m cá nhân hỗn hợp (kỷ lục 2:00.66) 4x100m tiếp sức tự do (kỷ lục 3:19.59) 4x200m tiếp sức tự do (kỷ lục 7:18.14) 4x100m tiếp sức hỗn hợp (kỷ lục 3:38.25) | Nguyễn Thị Ánh Viên (8 HCV, 8 kỷ lục SEA Games) 200m tự do (kỷ lục 1:59.27) 400m tự do (kỷ lục 4:08.66) 800m tự do (kỷ lục 8:34.85) 200m bướm (kỷ lục 2:11.12) 200m ếch (2:31.16) 200m ngửa (kỷ lục 2:14.12) 200m cá nhân hỗn hợp (kỷ lục 2:13.53) 400m cá nhân hỗn hợp (kỷ lục: 4:43:93 và 4:42.88) |