Nghề hay, người cũng hay
Theo một số ảo thuật gia lâu năm trong nghề, người Việt rất sáng tạo, bắt chước các bạn quốc tế rất tinh vi, đồng thời biết làm theo cách riêng. Tiếc là người biểu diễn ảo thuật ở Việt Nam chưa có đất dụng võ. Bởi lẽ đây là nghề đòi hỏi nhiều tiền của và chất xám. Vì thế, số nhà ảo thuật có trình độ, kinh nghiệm không nhiều. Có người học được vài trò cũng xưng là ảo thuật gia. Thực chất, các ảo thuật gia không chỉ cần giỏi về kỹ xảo mà còn cần khéo léo, biết cách hấp dẫn khán giả và kết hợp các yếu tố tâm lý gây hồi hộp, lo sợ cho người xem. Người biểu diễn môn này phải có chất ma thuật trong người mới mong hút hồn khán giả. Bởi ảo thuật gia giống như người dẫn chuyện cho những màn trình diễn của mình. Một câu chuyện hay cần một người dẫn chuyện giỏi, hấp dẫn người xem.
Tuy nhiên, cũng có một số người tự tin khẳng định, họ có thể thực hiện những tiết mục hoành tráng như làm biến mất tàu hỏa, nhà, tượng… nhưng điều này trở thành “lực bất tòng tâm” vì không có đạo cụ. Trong khi, nhìn ra thế giới, chúng ta biết, chỉ một động tác ảo thuật của David Copperfield đã mất cả triệu đô. Số tiền này quá lớn so với các đơn vị công lập ở Việt Nam, các nghệ sĩ hoạt động tự do hay các đơn vị xã hội hóa càng khó có cơ hội thực hiện. Cũng chính vì lẽ đó mà các trò ảo thuật Việt Nam còn đơn điệu và chỉ hấp dẫn khán giả ở lần đầu đi xem. Một “phù thủy” khá có tiếng tại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi chưa có sân chơi riêng đúng nghĩa mà thường chỉ biểu diễn phụ cho các tiết mục xiếc. Mọi người vẫn nghĩ ảo thuật nằm trong xiếc, nhưng thật ra không phải vậy”. Ông cũng cho rằng, ảo thuật hiện nay chưa được xã hội nhìn nhận một cách công bằng. Trong khi, bản thân môn nghệ thuật này có sức mạnh khá ghê gớm, có thể cuốn hút khán giả một cách không ngờ. Ví như, trong những chương trình ca nhạc tạp kỹ có sự tham gia của các ngôi sao nổi tiếng, ai cũng “sợ” các ca sĩ đang là thần tượng của nhiều người. Nếu một ca sĩ tên tuổi vừa có một phần trình diễn đầy sôi động, các nghệ sĩ khác rất ngại ra biểu diễn ngay sau đó, thế nhưng các ảo thuật gia thì không sợ. Vì một tiết mục ảo thuật làm khán giả đứng tim, nín thở thì không cớ gì phải bị lép vế so với các phần trình diễn khác.
Bao giờ ước mơ thành sự thật?
Chưa được công nhận là một môn nghệ thuật có đẳng cấp, chưa có môi trường chuyên nghiệp để học tập, nghiên cứu và biểu diễn nên các ảo thuật gia cũng khó có thể mua đạo cụ ưng ý ở môi trường không dành cho loại hình này. Nhiều nhà ảo thuật thường nhờ người mang từ nước ngoài về, hoặc tự làm. Với các đạo cụ đòi hỏi nhiều kỹ thuật, nếu không may tính toán sai thì người diễn chỉ còn nước… ngồi khóc trên sân khấu. Thế nhưng ngay cả khi lên kế hoạch kỹ lưỡng, những tiết mục khó khăn này cũng không dễ được biểu diễn bởi rất khó tìm được một sân khấu thích hợp. Ngay như Liên hoan ảo thuật toàn quốc, một sân chơi chuyên nghiệp lớn nhất hiện nay dành cho ảo thuật dù đã nhiều lần được tổ chức, mỗi lần cách nhau khá xa song vẫn không thể tạo dựng được một sân khấu biểu diễn đúng ý, mà vẫn phải tận dụng sân khấu tròn của rạp xiếc. Thành ra, khán giả ngồi ở hai bên dễ dàng nhìn thấy “sự thật” đằng sau các trò diễn phù thủy hấp dẫn. Không những thế, sân khấu này còn khiến nhiều ảo thuật gia “run” mỗi lần bước ra trước khán giả. Bao nhiêu bí mật của nghề ảo thuật bị lộ hết thì các thầy phù thủy mất tinh thần cũng là điều dễ hiểu.
Ảnh trong bài: Một số tiết mục ảo thuật trình diễn tại Việt Nam.
“Sân khấu tròn của xiếc gây bất lợi cho các màn trình diễn ảo thuật công phu, bởi khán giả sẽ thấy hết bí mật của người biểu diễn. Không có sân khấu dành riêng cho môn nghệ thuật này, nên những tiết mục như thôi miên cho người bay lơ lửng, làm người biến mất… không thể thực hiện hoặc có thực hiện thì cũng khó đạt hiệu quả cao. Vì lẽ đó, ảo thuật của Việt Nam luôn tụt hậu so với thế giới”, một ảo thuật gia than thở. Và đã từ lâu lắm rồi, người làm nghề chỉ biết biểu diễn một cách tự phát, thiếu chuyên nghiệp như thế mà thôi, chứ giấc mơ về một sân chơi chuyên nghiệp, có đẳng cấp chỉ là ước mơ, không biết bao giờ mới thành sự thật.