Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Áo vá một thời

Tôi sinh ra ở một làng quê mà ở đó hết thảy nhà ai cũng nghèo. Cái nghèo không chỉ đeo đẳng trong mọi sinh hoạt đời sống của người dân, mà nó còn hiển hiện thường nhật trên từng cái quần, manh áo mà mỗi người mặc trên mình.

 

Gia đình tôi cũng không là ngoại lệ. Cả nhà với 7 miệng ăn chỉ trông vào gần mẫu ruộng khoán, trồng lúa, ngô, khoai, sắn cùng vài ba thứ sản vật nông nghiệp khác. Thực ra, với ngần ấy ruộng đất mà gieo trồng, cày cấy thì lương thực cũng gọi là tạm đủ cho cả nhà ăn trong cả năm. Thế nhưng, khi mùa thu hoạch tới thì phải mang bán đi phần lớn để lấy tiền chi tiêu cho mua sắm vật dụng tái sản xuất, cho các nhu cầu sinh hoạt cần đến tiền khác nữa...

Cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn nên cái mặc cũng luôn trong tình trạng... tả tơi, rách rưới. Nếu như trẻ nhỏ như chúng tôi còn có được một vài bộ quần áo gọi là tươm tất, lành lặn để đến trường, thì những người lớn như bố mẹ, anh chị tôi hầu như quanh năm ngày tháng chỉ mặc quần áo vá. Những mảnh vá chằng vá đụp chồng chất lên nhau nhiều vô kể khiến cho cái quần, cái áo nhìn thảm thương. Không chỉ khi ra đồng lao động người lớn mới mặc vậy, mà những lúc ở nhà, thậm chí là khi đi ăn cỗ đâu đó trong làng người lớn vẫn quần áo vá mà diện, vì mấy ai có quần áo mới, hay lành lặn đâu! Dường như người lớn dành hết phần lành lặn, phần đẹp cho trẻ nhỏ như chúng tôi nên không dám mua sắm.

Người mẹ và quê hương.     (Ảnh minh họa).

Nhà tôi nghèo đến nỗi một năm có mười hai tháng thì phải tới gần một nửa số thời gian ấy cả nhà luôn sống trong tình trạng “đứt bữa”. Bố mẹ tôi có khi phải vài, ba năm mới dám may cho mình một bộ áo quần mới, còn đâu ông bà chỉ áo vá quần chằm mà thôi. Ấy vậy nhưng cứ một năm là anh chị em chúng tôi đều được bố mẹ mua cho từ 1 đến 2 bộ quần áo mới để mặc, bởi dù sao thì chúng tôi cũng cần tươm tất đôi chút khi cắp sách tới trường, hoặc diện vào những dịp Tết, trẻ con mà Tết đến được may quần áo mới thì sướng gì bằng! Chỉ vài bộ được may mới trong một năm như vậy thôi, mà trẻ con như chúng tôi hay lê la và quần áo cũng mau sờn, rách, vì vậy mà chuyện trẻ nhỏ trường làng vẫn thường xuyên mặc quần áo vá đến lớp không có gì là lạ.

Tôi còn nhớ, dịp bước vào cấp hai, chỉ những hôm đầu tuần chào cờ, hay những buổi đi chơi, đi tham quan... tôi mới mặc bộ đồ mới mà bố mẹ mua cho, chứ bình thường tôi vẫn “diễn” quần áo vá đến lớp. Người ta từng bảo: “Đói cho sạch, rách cho thơm!”, nên hầu như trẻ con quê tôi đứa nào cũng thấm nhuần câu tục ngữ ấy và hầu như chẳng đứa nào ngại khi phải mặc áo quần vá đến trường. Vì là không có nhiều bộ để thay đổi nên lỡ hôm trước đi học về gặp mưa ướt, hay những khi mưa dầm gió bấc trời ẩm ướt không thể khô được, nên việc mẹ phải thường xuyên hong khô quần áo cho anh chị em tôi mặc đi học. Những lúc hong quần áo như thế, mẹ thường tỉ mẩm xem tổng thể chiếc quần, cái áo có chỗ nào sờn rách, hay sứt chỉ không để còn vá ngay.

Nhiều buổi sáng, chị em tôi đang ăn khoai luộc chuẩn bị đi học, mẹ vừa nấu cám lợn, vừa hong quần áo và tiện thể vá luôn mấy chỗ “xẻ tà” bởi đường chỉ bong chóc hết. Vì sợ muộn học nên tôi cứ giục toáng mẹ vá nhanh lên, vì vội nên mẹ đâm cả kim khâu vào ngón tay chảy máu. Những lúc như vậy tôi biết mẹ bực mình, nhưng mẹ là người tuyệt vời thương chồng, yêu con nên bà không nói năng trách móc tôi một lời, chỉ giục tôi mặc nhanh vào rồi đến trường kẻo muộn giờ học.

Năm tôi học lớp 7, bố tôi gặp phải cơn bạo bệnh và kinh tế gia đình tôi vốn đã nghèo nàn lại càng khánh kiệt. Anh chị em chúng tôi cả năm đó không có lấy một lần được may một bộ quần áo mới nào vì không có tiền. Mẹ bận lao động và chăm sóc bố bên giường bệnh nên công việc khâu vá quần áo của chính mình cũng như cho em nhỏ tôi đã tự đảm nhận được. Ngoài những hôm đi học, hay những lúc ra đồng giúp mẹ các công việc làm nông, thời gian rảnh tôi vẫn hay vá áo quần. Tôi không xấu hổ vì chẳng có quần áo mới, phải mặc quần áo vá, mà chỉ buồn đôi chút là nhà mình quá nghèo, bố lại bệnh. Có hôm mẹ động viên: “Các  con cố gắng mặc tạm quần áo cũ vì năm nay nhà mình chẳng còn gì mà bán lấy tiền nữa. Sang năm, bố khỏe, nhà bớt túng mẹ lại mua cho các con vài bộ mới...”. Nghe mẹ động viên vậy, anh chị em chúng tôi ai cũng rớt nước mắt vì thương mẹ.

Gian khó nào rồi cũng qua đi, khi anh chị em chúng tôi lớn lên thì cái nghèo, cái đói đã bị xua đuổi khỏi gia đình tôi, làng quê tôi, và sự hiện diện trong các mâm cơm với thức ăn đủ đầy thịt, cá tươm tất cũng nói lên tất cả. Từ đấy trở đi quần áo vá đã bắt đầu trở thành dĩ vãng khi hầu như chẳng còn ai, kể cả người già phải mang trên mình những bộ đồ được vá lên bằng các mảnh vải khác màu loang lổ nữa. Thế nhưng, với tôi và hết thảy những con người sống trong quãng thời gian khốn khó ấy, đều không thể nào quên, và sự hoài niệm về quá khứ đôi khi không bao giờ là thừa, bởi lương tri tôi luôn tự nhắc bảo mình phải luôn nhìn nhận về quá khứ, ôn nghèo nhắc khổ để hiểu, cảm nhận được giá trị của cuộc sống của hiện tại và tương lai...