Quang cảnh hội nghị tăng cường phòng chống sâu kêu mùa thu
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, sâu keo mua Thu mới vào Việt Nam nhưng rất nguy hiểm bởi khả năng tàn phá và lây lan rất nhanh. Thứ trưởng đề nghị các địa phương trước mắt phải thực hiện đầy đủ chỉ thị 4962 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT để người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của loài sâu hại này, sử dụng các biện pháp phòng trừ đúng kỹ thuật.
Theo Thứ Trưởng, ngoài các thuốc bảo vệ thực vật, thí nghiệm ban đầu cho thấy, bả sinh học đã cho hiệu quả khi tiêu diệt được l sâu keo mùa thu. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tìm hiểu về quy trình, mật độ đặt bả sinh học trên các ruộng ngô để sớm đưa xuống cho bà con nông dân. Đây là giải pháp rất hiệu quả, vừa an toàn cho môi trường mà lại ít tốn kém. Các diện tích ngô bị nhiễm nặng không có khả năng phục hồi thì cần phá bỏ, làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, vẫn sẽ còn tàn dư trên đồng ruộng, chính vì vậy cần có phương án xử lý đất. Thứ trưởng yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật cùng các địa phương cần sớm tìm ra phương án xử lý vấn đề này. Ngoài ra, khi ngô non dễ nhìn thấy ổ trứng cần nhanh chóng tiêu diệt, không để trứng nở ra sâu non.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh tại hội nghị phòng chống sâu kêu
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, cả nước có gần 15.000 ha ngô nhiễm sâu keo mùa thu, trong đó có gần 1.300 ha bị nhiễm nặng (tương đương 8 con sâu/m2). Hai khu vực có diện tích nhiễm lớn nhất là Bắc Bộ và Nam Trung bộ - Tây Nguyên, chiếm trên 94% tổng diện tích. Riêng tại khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, có 6.985 ha ngô nhiễm sâu keo mùa thu, phân bố ở 12 tỉnh là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông. Riêng tại Gia Lai, đến nay đã có gần 5.000 ha ngô nhiễm sâu keo mùa thu.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNN cho biết, qua theo dõi, đánh giá mức độ gây hại của sâu keo mùa thu ở nhiều tỉnh, thành từ tháng 3/2019 đến nay cho thấy, mặc dù giai đoạn ngô non 5 – 9 lá bị gây hại những vẫn trổ cờ, phun râu bình thường. Giai đoạn này cây ngô có khả năng phát triển thân, lá bù lại những phiến lá bị gây hại, khi cây ngô hình thành bắp vẫn bị sâu hại nhưng ít ảnh hưởng đến năng suất hạt.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sâu keo mùa thu, tỉnh Gia Lai, địa phương có diện tích ngô bị nhiễm nhiều nhất đang tập trung thực hiện quyết liệt đồng loạt các giải pháp. Đại diện Sở NN&PTNT Gia Lai cho biết, trước mắt, tỉnh đã tuyên truyền cho người dân nhận diện về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh gây hại và các giải pháp phòng trừ sâu keo mua thu. Tỉnh cũng đã hướng dẫn người dân phun thuốc phòng trừ đồng loạt, phun thuốc khi sâu keo còn nhỏ tuổi bằng các loại thuốc diệt trừ sâu keo có hiệu quả. Về lâu dài, cần phải có phương phát phòng trừ tổng hợp để ngăn chặn sự lây lan nhanh của sâu keo mùa thu. Xây dựng kế hoạch trồng ngô tập trung, sử dụng giống ngô có tính kháng sâu keo mùa thu. Áp dụng các biện pháp sinh học, sử dụng bẫy bả để tiêu diệt sâu trưởng thành.
Bộ NN&PTNT tiếp tục hoàn thiện các thí nghiệm, thực nghiệm, bám sát cùng các địa phương để cập nhật tình hình vào quy trình xử lý, từ phương án tiêu diệt sâu đến xử lý đất. Tập trung vào việc khuyến cáo các bộ giống, vì có nhiều giống bị phá hủy, đặc biệt là giống nhóm BT nhưng cũng có giống lại không bị ảnh hưởng. Với những thiệt hại nặng nề của bà con trong thời gian qua, Thứ trưởng ghi nhận và sẽ báo cáo với Bộ trưởng có phương án để xử lý, Bộ NN&PTNT luôn đồng hành cùng các địa phương và người dân trong cuộc chiến chống sâu keo mùa thu.
LÊ NHUẬN