* Thành công với lợi nhuận khá lớn của phim “Để mai tính 2”, cộng với giải thưởng Cánh diều vàng cho Nam diễn viên xuất sắc nhất, có vẻ như con đường sự nghiệp của Thái Hòa đang rộng thênh thang?
- Tôi luôn nghĩ, đã làm nghề là phải cố gắng. Có thể tôi may mắn một chút, nhưng cũng là do luôn cố gắng và cố gắng của mình đã được đền đáp. Phần nữa là do duyên tổ nghiệp cho tôi được gặp và làm việc với những người hợp ý, giỏi nghề.
Đằng sau mỗi giải thưởng là công sức của rất nhiều người: Biên kịch viết kịch bản tốt, dàn diễn viên ăn ý, đạo diễn hết mình. Ví như đã lâu lắm mới quay trở lại đóng phim truyền hình, nhưng ngay khi đọc kịch bản “Cha rơi”, tôi đã bị cuốn hút. Đó là câu chuyện đầy tình người, nhân vật ông Toàn là vai diễn có nhiều biến chuyển dữ dội về tâm lý.
Trong phim này, tôi được làm việc với một ê kíp rất “đã”, các diễn viên giỏi nghề, chịu khó... Nhiều yếu tố thuận lợi đã hỗ trợ, làm nên thành công cho vai diễn ông Toàn của tôi.
* Anh thích đóng vai hài để có doanh thu “khủng” hay vai nghiêm túc để nhận được giải thưởng nghề nghiệp?
- Tôi không quan tâm lắm đến thể loại, nhưng thấy rằng, khi tôi đóng những vai không hài, thì có ít người xem, như vai Linh trong phim “Lấy chồng người ta”, vai này tôi cũng nhận được giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tế - Vietnam International Film Festival.
Hiện nay, với phim điện ảnh, vai phản diện có vẻ không mấy được khán giả quan tâm. Thế nhưng, tôi vẫn rất mê kiểu nhân vật xấu xa, độc ác. Mới đây tôi xin casting vai phản diện trong một bộ phim điện ảnh, nhưng không được vì đạo diễn bảo đã tìm được diễn viên rồi. Tôi nhận thấy, vai nào cũng phải được đầu tư công sức nhiều để tìm ra “chìa khóa” cho nhân vật, dù là hài, chính diện hay phản diện.
* Đang là diễn viên, gần đây thấy anh chuyển sang làm nhà sản xuất phim ? Một định hướng mới chăng?
- Một năm không thể đóng được nhiều phim, mà tiền cát-sê cũng không đủ sống được hết năm, nên tôi quyết định tìm hiểu và đầu tư góp vốn làm phim. Nói là góp vốn, chứ thật ra, chỉ là góp tiền cát-sê của mình vào phim thôi.
Thay vì lấy tiền cátsê, tôi góp tiền ấy cho dự án phim. Tôi chưa dám đi sâu vào vai trò nhà sản xuất phim vì áp lực lớn quá, tôi sợ mình kiêm nhiệm nhiều sẽ mất “hồn nhiên” khi diễn xuất. Việc tham gia sản xuất phim chủ yếu chỉ để cải thiện đồng lương.
Tôi bắt đầu tham gia góp chút vốn từ phim “Long ruồi”, “Quả tim máu”, “Để mai tính 2”. Đến “Để mai tính 2”, áp lực và sự lo lắng của tôi tăng lên, đến độ tôi không dám vào rạp.
* Với thành công về doanh thu như thế, anh có tiếp tục bỏ vốn đầu tư làm phim hài?.
- Về tính giải trí và doanh thu, các phim hài như: “Tèo em”, “Để mai tính” không có gì phải suy nghĩ, nhưng về tính nghệ thuật chưa nhận được đánh giá tốt từ người trong nghề và giới phê bình.
Tôi vẫn muốn cố gắng làm một phim có tính giải trí, ổn về doanh thu, nhưng vẫn nhận được sự đồng tình cùng những đánh giá tốt của đồng nghiệp. Tôi cứ cố gắng, còn có đạt được hay không lại là chuyện khác. Vấn đề là, ít ra, tôi đã có cố gắng. Làm nghề, ngoài việc được khán giả yêu thích, tôi vẫn cần nhận được sự đánh giá, ghi nhận của anh chị em trong nghề.
* Anh cùng ê kíp đạo diễn Charlie Nguyễn và Hãng phim Chánh Phương tiếp tục triển khai phần 2 của bộ phim “Tèo em”. Có vẻ như anh vẫn muốn “ăn theo” thành công về doanh thu của các phim hài?.
- Với “Tèo em”, ngay trong giai đoạn sản xuất, chúng tôi đã nảy ra ý tưởng cho phần 2, vì nhận ra nhân vật này “quăng” vào tình huống nào cũng khai thác được. Thậm chí, chúng tôi còn tính đến chuyện đẩy lên thành một loạt phim về “Tèo em”. Trước mắt, trong năm 2015, tôi chỉ tập trung làm duy nhất cho phim “Tèo em” phần 2. Với “Để mai tính” thì khác, đến phần 2 là kết thúc luôn.
Tôi không lo lắng về nguồn kịch bản, vì Hãng phim Chánh Phương có nguồn kịch bản khá dồi dào, đề tài, ý tưởng không thiếu. Vấn đề là làm thế nào phát triển cho độc đáo. Hiện nay, mọi khâu sản xuất phim của mình đều còn rất nghiệp dư, không đồng bộ, nên cũng khó mà có phim chất lượng thật sự.
* Xuất thân là diễn viên sân khấu, giờ thì anh bỏ sàn diễn để theo phim, có phải vì sân khấu nghèo hơn?.
-Tôi đã nghỉ diễn trên sân khấu được hai năm, vì sân khấu không được quan tâm nhiều và hoạt động cũng không sôi động như bên phim. Có lẽ vì thế mà tôi bị “mất lửa” với sân khấu. Làm gì nếu được khán giả, giới truyền thông quan tâm, bất kể là nhận xét khen hay chê, cũng khiến cho người nghệ sĩ còn hứng thú làm nghề, có động lực để phấn đấu, để thay đổi, làm mới mình.
Tôi vẫn nuôi ý định viết và dựng một vở kịch, nhưng chưa có thời gian. Tham gia phim ảnh là đối diện với mọi khó khăn của cuộc sống, vì thế tôi đang dành ưu tiên cho điện ảnh.