Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Áp lực Tết có hóa giải được không?

 
Trong những ngày này, thưởng Tết được nhiều người quan tâm. Ảnh: KT
 
Tết và những chuyện bi hài liên quan đến thưởng Tết
 
Trong những ngày này, cụm từ “tiền thưởng Tết” được nhiều người quan tâm. Số là cứ đến Tết thì các cơ quan, công ty, nhà máy, xí nghiệp, trường học đều căn cứ vào tình hình tài chính của mình để thưởng Tết cho cán bộ, nhân viên. Nhiều gia đình hi vọng vào khoản tiền thưởng Tết để mua sắm đồ dùng, quần áo, gạo thịt; để mua vé tàu xe, mua quà về quê… Tuy nhiên, xung quanh “tiền thưởng Tết” đã xảy ra nhiều chuyện bi hài khiến chúng ta… cám cảnh.
 
Vào thời điểm này, Bộ LĐTBXH đang cố gắng nắm bắt tình hình thưởng Tết ở khắp mọi nơi. Theo thông tin có được, tạm thời số tiền thưởng Tết cao nhất tại TP.HCM là 1 tỷ đồng/người của một công ty 100% vốn nước ngoài, kinh doanh trong lĩnh vực đồ dùng học sinh. Cao thứ hai là 736 triệu đồng, thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ở Đà Nẵng, cao nhất là 400 triệu đồng, ở Hà Nội là 205 triệu đồng, ở Nghệ An là 63 triệu đồng.
 
Còn mức thưởng thấp nhất là 200.000 đồng thuộc một loạt công ty ở Nghệ An. Sự chênh lệch giữa 1 tỷ đồng và 200.000 đồng khiến chúng ta ngậm ngùi, cay đắng vì  hơn nhau những 5.000 lần! Tuy nhiên, đây chưa phải là mức chênh lệch lớn nhất. Năm ngoái, sự chênh lệch ở mức khủng khiếp: 2,028 tỉ đồng và 24.000 đồng, nghĩa là chênh nhau 84.000 lần! 
 
Khi biết được những điều này, chắc nhiều người nhớ lại câu nói nổi tiếng của người nhiều năm liền giàu nhất thế giới là Bill Gates: “Cuộc sống vốn không công bằng, bạn cần phải làm quen với nó”. Dù đã được một người đáng kính như vậy khuyên nhủ, nhưng quả thực rất khó “tiêu hóa” được sự chênh lệch này!
 
 
 
Với đại bộ phận người lao động, năm nay, số tiền thưởng Tết tương đương năm ngoái. Ảnh: KT    
 
Tết và áp lực mang tên “Tiền”
 
Dù thế nào đi chăng nữa, Tết cũng đang đến gần, cần phải có tiền để tiêu Tết. Với đại bộ phận người lao động, năm nay, số tiền thưởng Tết tương đương năm ngoái, nghĩa là dù ít hay nhiều, chúng ta vẫn có tiền để mua sắm. Với những người được thưởng nhiều, họ có thể tiêu thoải mái, còn với những người có khoản trên dưới 10 triệu đồng thì phải có kế hoạch chi tiêu mới ổn.
 
Trước hết, đối với những người rời thành phố về quê đón Tết. Những khoản bắt buộc: Tiền đi lại, tiền quà cáp, tiền lì xì, tiền góp cỗ (coi như tiền ăn). Một gia đình 4 người (bố mẹ, hai con), đi xa khoảng 300km, về quê 7 ngày với số tiền là 10 triệu đồng, sẽ chi tiêu như sau. Trong những khoản kể trên, tiền đi lại: khoảng 1 triệu đồng; tiền góp cỗ: khoảng 2 triệu đồng. Còn tiền quà cáp và tiền lì xì thì “tùy cơ, ứng biến”, nghĩa là có bao nhiêu, mua và mừng bấy nhiêu. Không nên vì sĩ diện mà mua quà đắt tiền cũng như lì xì tiền triệu.
 
Với những người ở lại thành phố, không về quê, không mất khoản tiền đi lại nhưng vẫn phải gửi quà, gửi tiền về quê cho bố mẹ, anh em tiêu Tết. Khoản này từ 3 - 4 triệu đồng. Nhu yếu phẩm cho 7 ngày Tết: rượu, bia, mứt, kẹo, gạo, thịt, hoa quả…, khoản này khoảng 4 - 5 triệu đồng. Một ít tiền còn lại dùng để lì xì khi đi chơi nhà bạn bè và khi con cháu, bạn bè đến chơi.
 
Với những gia đình nửa về, nửa ở lại thì cũng chia số tiền 10 triệu ra làm đôi; những người về quê tiêu một nửa, những người ở lại tiêu một nửa. Làm thế nào để tất cả đều vui vẻ là được.
 
Đương nhiên, đây chỉ là vài gợi ý tiêu khoản tiền được thưởng Tết mà thôi. Nhiều người đã có kế hoạch tích lũy từ trước để sắm Tết cho tươm tất. Dẫu vậy, trong 7 ngày Tết cũng nên chi tiêu một cách có tính toán, để sau Tết có tiền mua sữa cho con, đóng tiền học, tiền điện, tiền Internet… Những khoản tiêu hàng ngày cần phải được bảo đảm chứ không nên bị “nướng” vào Tết.

Tết: Nên chú trọng đến khía cạnh tinh thần, tình cảm
 
Một số người vì thấy vất vả và tốn kém quá nên… sợ Tết. Có người còn cho rằng, nên dồn Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán làm một cho vui vẻ và đỡ tốn kém, vất vả. Đây là những ý kiến xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, đáng được lưu tâm, nghiên cứu. Tuy nhiên, với phần lớn người Việt Nam, Tết Nguyên đán là lễ hội trọng đại, là mùa của những niềm vui gặp gỡ, sum họp, cùng nhau chào đón một năm mới với những hy vọng mới. Trong dịp Tết, người ta còn về lại nơi sinh ra, lớn lên, đi tảo mộ, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên… Người ta sẵn sàng chịu tốn kém, vất vả để có được những thứ này.
 
Trong những năm gần đây, dù kinh tế có gặp một số khó khăn nhưng nhìn chung cuộc sống vật chất của đại bộ phận dân chúng vẫn được bảo đảm, nghĩa là chúng ta được sống trong no đủ. Về cái ăn, cái uống hàng ngày, ít gia đình thiếu thốn. Nhu cầu ăn no, mặc ấm hầu như đã được đáp ứng đầy đủ. Vì vậy, trong những ngày Tết, chúng ta cũng không nên quá nặng về vật chất, nên ưu tiên cho những nhu cầu tinh thần, tình cảm.
 
Tết Nguyên đán Kỷ Dậu 2017 được nghỉ 7 ngày. Đây nên là khoảng thời gian để mọi người nghỉ ngơi, về quê, thăm hỏi lẫn nhau, ôn lại những kỷ niệm. Tết cũng là mùa lễ hội, mọi người cũng nên tranh thủ đến đó để hòa mình vào không khí của những ngày xuân, cảm nhận những sắc màu văn hóa mang tính tâm linh của người Việt.
 
Tết cũng nên là một khoảng lặng để con người tự suy xét về mình, về người thân, về những việc đã làm được, về kế hoạch cho tương lai. Khí trời, tình người, sắc nắng, mùi hương, màu hoa… khiến con người trở nên khoan khoái hơn, trí óc minh mẫn hơn nên sự suy xét sẽ chính xác hơn. Sống với những khoảnh khắc như vậy, con người tĩnh tâm, thư nhàn và hạnh phúc. Có lẽ, ý nghĩa cơ bản của Tết nằm ở đây.
 
 
 
Trong những ngày Tết, chúng ta cũng không nên quá nặng về vật chất, nên ưu tiên cho những nhu cầu tinh thần, tình cảm.  Ảnh: KT                                                              
                                      Đừng tạo thêm áp lực cho mình!

Nhịp sống hiện đại khẩn trương, vội vã, căng thẳng hơn nên con người dễ cảm thấy mệt mỏi. Tết được nghỉ 7 ngày nhưng hình như nhiều người chẳng nghỉ ngơi gì cả.

Tết là cái mốc trọng đại trong một năm; nó vừa là kết thúc, vừa là mở đầu cho 12 tháng dài đằng đẵng. Đây chính là thời gian con người dùng để nạp “năng lượng” cho mình, làm mới lại mình để sống và làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều người vất vả trong dịp Tết vì họ tự tạo thêm cho mình áp lực.

Một số người đặt ra kế hoạch trong dịp Tết phải kiếm được bao nhiêu tiền. Mà kiếm tiền vào thời buổi này đâu có dễ!? Thế là người ta phải vất vả tính toán, chạy ngược, chạy xuôi, “đánh quả”, “chạy mánh”… Cũng có một số ít kiếm chác được, nhưng với nhiều người, kết quả nhiều khi là con số không tròn trĩnh, thậm chí vướng vào vòng lao lý.

Một số khác lại có ý định mua cái này, sắm cái kia. Thế là làm gì, ở đâu họ cũng chỉ nghĩ đến, nói về những thứ mình muốn có. Họ ao ước, họ tìm kiếm, họ dày vò để khi nào cũng sống trong tất tả, bận rộn trong khi những người khác thư nhàn nhìn mây, ngắm hoa.

Có một số người độc thân đưa ra lời hứa hẹn với cha mẹ, bạn bè là trong dịp Tết sẽ ra mắt người yêu hoặc là cưới vợ, lấy chồng. Đây chính là một trong những lời hứa cục kỳ liều lĩnh! Chuyện tình yêu và hạnh phúc cần có thời gian, duyên số và một chút may mắn nên không thể lấy Tết làm mốc để “dứt điểm” được. Làm như vậy chỉ tạo thêm cho mình áp lực và rất dễ mắc sai lầm.

Nhân bàn về áp lực Tết, tôi nêu một vài ý kiến như vậy để chúng ta tránh tạo thêm áp lực cho mình, nhàn tản đón xuân.

                                                                 Đàm Trọng 

Hồ Bất Khuất/Tạp chí GĐ&TE