Lúc 17 giờ ngày 25/11, bão số 9 đã suy giảm thành áp thấp nhiệt đới. Tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khu vực Nam bộ vẫn mưa rất lớn, nhiều khu vực xuất hiện gió mạnh.
Nhiều tuyến đường ở TP.HCM ngập sâu do mưa to kéo dài
Hàng loạt tuyến đường như Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân), Lã Xuân Oai (quận 9), Cây Trâm (quận Gò Vấp), khu Thảo Điền (quận 2), Nguyễn Văn Quá (quận 12)…, đang trong tình trạng ngập nặng, nước dâng cao gần nửa mét. Hàng loạt phương tiện chết máy, nhiều hộ dân ở trên các tuyến đường nói trên phải dùng bao cát hoặc các vật dụng chặn trước cửa nhà, tránh nước tràn vào.
Lúc 15 giờ chiều 25/11, trời mưa khiến đường phố tối mù như chập tối khiến xe lưu thông trên đường phải bật đèn
Đặc biệt, bão đã làm đổ cây cổ thụ, khiến một người bị trọng thương. Vụ việc xảy ra tại gần cầu Ông Lớn đường Nguyễn Văn Linh (thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), cổ thụ đường kính gần một mét bật gốc trong mưa gió, đè trúng người đàn ông đang chạy xe máy. Nạn nhân bất tỉnh tại chỗ, được lực lượng chức năng đưa vào bệnh viện cấp cứu; xe hư hỏng nặng.
Mưa to kết hợp triều cường đang lên sẽ khiến tình trạng ngập lụt trở nên trầm trọng hơn
Chiều tối ngày 25/11, triều cường đang lên kết họp mưa to có thể khiến cho tình trạng ngập ở nhiều nơi tại TP.HCM và một số nơi thuộc Nam bộ trở nên trầm trọng hơn.
- Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phát đi lúc 14 giờ 30 ngày 25/11, vào trưa 25.11, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào khu vực từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Bến Tre.
Hồi 13 giờ ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5 - 10km, đi sâu vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9; sau đó suy yếu thành vùng áp thấp.
Đến 1 giờ ngày 26/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực biên giới các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Một đoạn đường ở Ninh Thuận bị hư hại do ảnh hưởng của bão số 9
Do ảnh hưởng của bão số 9, tại tỉnh Ninh Thuận có mưa lớn, lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm, làm một số khu vực như thôn Đá Liệt (xã Phước Chiến), thôn Bình Tiên (xã Công Hải), huyện Thuận Bắc bị chia cắt. Khoảng 40 đê biển bị sạt lở, 150 ha lúa bị ngập. Dự báo xuất hiện 1 đợt lũ ở mức báo động III và trên báo động III. Các huyện miền núi như Ninh Sơn, Bắc Ái, Thuận Nam, Thuận Bắc đề phòng lũ, lũ quét, sạt lở đất.
3 km bờ biển bị sạt lở, nhiều ngôi nhà bị sập
Tại Bình Thuận, mưa lớn cũng đổ xuống, vùng ven biển gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 và gây ra những thiệt hại đầu tiên.
Tại TP Phan Thiết, sóng lớn đã đánh sạt lở 2,5 km bờ biển tại phường Hàm Tiến, 31 thuyền máy bị chìm và hư hỏng, trong đó 12 chiếc đứt dây neo, 3 chiếc mất tích, 9 chiếc hư hỏng hoàn toàn. Tại phường Thanh Hải có 8 ngôi nhà bị sập, hư hỏng do sạt lở bờ biển.
Gió mạnh xô đổ cây, đè một chiếc xe khách tại huyện Cần Giờ, TP.HCM
Trong khi đó, tại đảo Phú Quý có một tàu công suất 707 Cv bị hư hỏng và 1 chiếc xuồng 20 Cv bị chìm. Còn ở huyện Tuy Phong 1 lồng bè có 8.000 con cá bị đứt neo trôi ra biển, ước tính thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng. Kè bảo vệ bờ biển Phước Thể bị sóng đánh sụp một đoạn.
Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nguy cơ lốc xoáy do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới có thể xảy ra ở một số nơi.