Theo một nguồn tin trên trang Bloomberg, Apple sẽ phải hủy bỏ kế hoạch nhập khẩu hoặc bán iPhone đã qua sử dụng (refurbish) tại Ấn Độ. Đây là thông tin được tiết lộ từ một quan chức thuộc Bộ Viễn thông của quốc gia này. Trước đó hồi đầu năm 2016, Apple đã đề nghị chính phủ Ấn Độ cho phép hãng bán các máy iPhone cũ với giá rẻ nhằm tăng thị phần vốn đang khá thấp so với các đối thủ.
Hồi năm ngoái (2015), Bộ Môi trường Ấn Độ cũng từ chối một yêu cầu tương tự của Apple, vì lo ngại rằng, các điện thoại đời cũ của "Táo khuyết", vốn đang ở trong tình trạng sắp hết vòng đời tồn tại, sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề về rác thải điện tử.
Là quốc gia rộng lớn và có dân số đông, Ấn Độ được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng của các công ty sản xuất smartphone, trong đó có Samsung và Apple. Tuy nhiên, thị phần của "Táo khuyết" ở đây rất đáng thất vọng: hãng chỉ chiếm 2% thị trường, đứng thứ 18 trong danh sách các nhà sản xuất điện thoại lớn nhất - theo thống kê của IDC hồi tháng 11/2015. Trong khi đó, đối thủ của Apple là Samsung lại làm rất tốt công việc của mình, thống trị thị trường với thị phần lên tới 24% - nhờ các mẫu điện thoại 4G giá rẻ như Galaxy Grand Prime hay Galaxy J2.
Có thể nhận định, một trong các lý do khiến Apple "mất hút" ở Ấn Độ là bởi giá bán của iPhone vẫn cao, vượt xa thu nhập của người dân. Bằng cách nhập khẩu và bán các mẫu iPhone refurbish, Apple kỳ vọng sẽ đưa được mức giá của máy xuống thấp hơn đáng kể nhằm tiếp cận khách hàng.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, CEO Tim Cook nói rằng, tốc độ phát triển của iPhone sẽ phụ thuộc vào người dùng Ấn Độ. "Người dân ở Ấn Độ thực sự muốn smartphone. Với việc mạng LTE ra mắt ở quốc gia này trong năm nay, tiềm năng thị trường là rất lớn", Tim Cook cho biết. Thế nhưng, phát biểu của Bộ Viễn thông nước này có thể nói là một "gáo nước lạnh" dội vào tham vọng của hãng.