Chiều ngày 14/7, trong khuôn khổ AMM-56, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cùng các nước dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 30.
Các nước rà soát tình hình triển khai các hoạt động của diễn đàn trong niên khoá 2022-2023, trao đổi phương hướng ARF thời gian tới và thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Các nước khẳng định tầm quan trọng của ARF là diễn đàn hàng đầu ở khu vực thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị - an ninh, đóng góp vào các nỗ lực chung xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa. Các nước nhấn mạnh ARF là cấu phần không thể thiếu trong cấu trúc khu vực với ASEAN ở trung tâm.
Trong bối cảnh biến động phức tạp, khó lường, các Bộ trưởng nhất trí tăng cường hiệu quả hoạt động của ARF, phát huy giá trị, sức sống và khả năng thích ứng của Diễn đàn trước các cơ hội, thách thức cả hiện tại và tương lai.
Các nước nhất trí sẽ duy trì hợp tác trong các lĩnh vực an ninh biển, cứu trợ thảm họa, an ninh mạng, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị, hợp tác quốc phòng, gìn giữ hòa bình,… và thông qua danh mục các hoạt động năm 2023-2024.
Việt Nam sẽ đồng chủ trì một số hoạt động của ARF về thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, phòng chống khủng bố hoá học, sinh học, hạt nhân và phóng xạ. Dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thông báo Việt Nam sẽ đồng chủ trì Nhóm giữa kỳ ARF về Cứu trợ thảm họa nhiệm kỳ 2024-2026 cùng Bangladesh và Sri Lanka.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung kỷ niệm 30 năm thành lập ARF do Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc, Australia và Canada đồng bảo trợ. Tuyên bố tái khẳng định vai trò dẫn dắt của ASEAN trong cấu trúc khu vực, cam kết thúc đẩy đối thoại xây dựng, tăng cường hợp tác, đảm bảo sự tham gia chủ động, đầy đủ và đóng góp của các nước cho sự phát triển của ARF.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn điểm lại những bước phát triển của ARF trong 30 năm qua, nhấn mạnh đóng góp to lớn của ARF là hình thành thói quen tham vấn và đối thoại. Quá trình xây dựng lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông là minh chứng rõ nét về những nỗ lực và thành quả của tham vấn, khẳng định và đề cao các nguyên tắc cơ bản như giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Trao đổi về định hướng tương lai, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh cần bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN, giữ vững mục tiêu và nguyên tắc của ARF, định hình các chương trình nghị sự thực chất, phát huy trách nhiệm của các thành viên và duy trì cách tiếp cận cân bằng, bao trùm.
Văn hóa đối thoại và tham vấn cần được duy trì, củng cố và phát triển với ASEAN ở vị trí trung tâm, qua đó đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Thảo luận về tình hình quốc tế, khu vực, các nước trao đổi về các diễn biến phức tạp gần đây, chia sẻ quan điểm cân bằng, khách quan của ASEAN, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm trong định hình cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định cách tiếp cận của Việt Nam, lấy đối thoại, tham vấn, xây dựng lòng tin làm công cụ chủ yếu trong giải quyết các bất đồng, khác biệt. Bộ trưởng khẳng định, 30 năm qua, thông qua tham vấn, ASEAN đã thành công trong xây dựng lập trường chung về Biển Đông với những nguyên tắc như kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
“Trong khi cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, ASEAN và Trung Quốc đang cùng nhau hướng tới một bộ COC thực chất, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.” Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Kết thúc chuỗi Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Ngoại giao đã thông qua và ghi nhận gần 40 văn kiện các loại, trong đó Thông cáo chung Hội nghị AMM-56 phản ánh toàn diện các nội dung và kết quả thảo luận.