Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

ASEAN là ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam

(Dân sinh) - Tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 50 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định ASEAN là một ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 50 của Diễn đàn Kinh tế thế giới diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ (WEF Davos).

Hội nghị WEF Davos 2020 là hội nghị lớn và quan trọng nhất của WEF trong năm 2020, thu hút khoảng 3.000 đại biểu tham dự, trong đó khoảng 50 Nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Thụy Sỹ, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Italia, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc IMF...; đông đảo lãnh đạo các tập đoàn, tổ chức nghiên cứu và giới khoa học hàng đầu thế giới.

ASEAN là ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình gặp Thủ tướng Croatia.

Kỷ niệm 50 năm ngày tổ chức Hội nghị WEF Davos đầu tiên, Hội nghị WEF Davos năm 2020 lấy chủ đề "Hợp tác vì một thế giới gắn kết và bền vững" với mong muốn WEF không chỉ là diễn đàn trao đổi các ý tưởng hợp tác kinh tế và các vấn đề lớn của toàn cầu, mà còn là diễn đàn thúc đẩy các nỗ lực quốc tế trong xử lý các vấn đề toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang biến chuyển nhanh và sâu sắc.

Hội nghị với khoảng 400 phiên họp trong 4 ngày từ 21 - 24/01/2020, tập trung thảo luận nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, môi trường, công nghệ, xã hội, trong đó trọng tâm là thúc đẩy xây dựng một thế giới gắn kết hơn, giữ ổn định kinh tế toàn cầu, hợp tác chống biến đổi khí hậu, xây dựng xã hội bao trùm, quản trị công nghệ mới của CMCN 4.0, phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã cùng nhiều lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và tập đoàn lớn tham dự phiên Khai mạc toàn thể Hội nghị dưới sự chủ trì của Chủ tịch Sáng lập WEF Giáo sư Klaus Schwab; tham dự một số phiên họp quan trọng khác của Hội nghị, phát biểu với tư cách diễn giả chính tại Phiên toàn thể về "Triển vọng Chiến lược ASEAN" và gặp gỡ nhiều lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và tập đoàn hàng đầu.

Nhiều ý kiến phát biểu tại Hội nghị bày tỏ quan ngại thế giới đang ở thời kỳ bất ổn, với chính trị, kinh tế và xã hội rạn nứt, chia rẽ; bất bình đẳng và phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc. Chủ tịch Klaus Schwab kêu gọi thay đổi tư duy, phương thức quản trị, kêu gọi các quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đều chia sẻ lợi ích và trách nhiệm chung, hài hòa lợi ích riêng với lợi ích chung, lợi ích ngắn hạn với lợi ích lâu dài, bền vững.

Chủ tịch Klaus Schwab nhấn mạnh hợp tác là bản sắc và giá trị cốt lõi của WEF ngay từ khi thành lập cách đây 50 năm; WEF không chỉ là diễn dàn chia sẻ ý tưởng mà còn là một "nền tảng" thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong xử lý các vấn đề toàn cầu.

ASEAN là ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình gặp gỡ doanh nghiệp bên lề Hội nghị WEF Davos.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Hội nghị WEF Davos, WEF đã ra "Tuyên ngôn Davos 2020", trong đó có các quy tắc ứng xử cho các doanh nghiệp trong thời đại Cách mạng 4.0. Nhiều ý kiến phát biểu tại Hội nghị đề cao liên kết, hợp tác quốc tế, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, chống bảo hộ mậu dịch.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã tiếp Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende và dự Lễ công bố Báo cáo kết thúc Thỏa thuận hợp tác Việt Nam – WEF.

Chiều ngày 21/1, với tư cách là diễn giả chính, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã phát biểu tại Phiên toàn thể về "Triển vọng Chiến lược ASEAN".

Phó Thủ tướng nêu bật thông điệp về chủ đề, ưu tiên nghị sự của ASEAN và Việt Nam trong năm 2020; nhấn mạnh ASEAN là cộng đồng của 10 quốc gia Đông Nam Á độc lập, đoàn kết, phát triển năng động, trong đó Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trên 6% trong 20 năm qua, nằm trong số nền kinh tế tăng trưởng cao nhất Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới với tốc độ bình quân 7%/ năm trong 2 năm qua.

Phó Thủ tướng khẳng định ASEAN là một ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; nhấn mạnh chủ đề nghị sự của ASEAN trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 đặt trọng tâm vào "Gắn kết và Chủ động thích ứng" đáp ứng yêu cầu, quan tâm chung của các nước ASEAN về xây dựng một Cộng đồng vững mạnh trong bối cảnh thế giới đang biến chuyển nhanh và sâu sắc.

Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh các ưu tiên của ASEAN như đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tranh thủ cơ hội của CMCN 4.0; tăng cường ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ của ASEAN với các đối tác trên toàn cầu…

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng khẳng định với trọng trách kép là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc nhằm đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh của khu vực và quốc tế cũng như thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG); nỗ lực thúc đẩy vai trò, tiếng nói của ASEAN tại các diễn đàn đa phương quan trọng khác nhằm góp phần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Hội nghị đánh giá sau quá trình 50 năm, ASEAN đã trưởng thành, là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất thế giới; tuy còn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng cũng có rất nhiều cơ hội, trong đó có việc thúc đẩy "bản sắc cộng động", liên kết kinh tế nội khối, phát huy hơn nữa tính bổ trợ giữa các thành viên.