Toàn cảnh Hội nghị
Đoàn Việt Nam, do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú làm Trưởng đoàn, đã tham dự hội nghị.
Bộ trưởng Hiroshige Seko đã hoan nghênh việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015 vừa qua, cho rằng điều này không chỉ sẽ giúp ASEAN trở thành một khu vực năng động và có tính cạnh tranh cao hơn mà còn giúp ASEAN hội nhập tốt hơn với nền kinh tế toàn cầu.
Các bộ trưởng hài lòng khi nhận thấy Nhật Bản tiếp tục giữ vững ngôi vị là đối tác kinh tế lớn thứ 2 và là nguồn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đứng thứ 2 vào ASEAN.
Năm 2015, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa ASEAN và Nhật Bản đạt 239,4 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN.
Trong khi đó, FDI của Nhật Bản trong năm 2015 đổ vào ASEAN là 17,4 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng dòng vốn FDI của ASEAN trong năm.
Các bộ trưởng hoan nghênh việc hoàn tất các cuộc đàm phán về Thương mại dịch vụ, bao gồm các phụ lục về Tài chính và Viễn thông và Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân (Hiệp định MNP) cũng như đàm phán đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP); ghi nhận những nỗ lực tiếp diễn trong việc cải thiện việc thực thi Hiệp định AJCEP; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện cắt giảm thuế theo lộ trình AJCEP (TRS) và các Quy tắc cụ thể các mặt hàng (PSR) trong Hệ thống Hài hòa nhằm tạo thuận lợi cho thương mại giữa Nhật Bản và ASEAN.
Liên quan tới vấn đề này, các bộ trưởng đã giao cho các quan chức kinh tế cấp cao nỗ lực và linh hoạt hết sức để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng để hoàn tất chuyển đổi việc cắt giảm thuế theo lộ trình AJCEP sớm nhất có thể.
Các bộ trưởng đánh giá cao những tiến triển đã đạt được trong việc triển khai Lộ trình Hợp tác Kinh tế Chiến lược 10 năm ASEAN-Nhật Bản; hoan nghênh việc chỉnh sửa lại lộ trình trên cho phù hợp với thực tế và nhất trí sẽ đệ trình lộ trình sửa đổi này lên Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản.
Các bộ trưởng cũng chia sẻ quan điểm rằng ASEAN và Nhật Bản sẽ cùng nhau đáp ứng các mục tiêu của lộ trình thông qua việc tăng cường Hợp tác kinh tế, Hội nhập kinh tế của ASEAN và Hợp tác để hội nhập khu vực vào nền kinh tế toàn cầu; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong các trụ cột hợp tác khác nhau trong lộ trình như phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đổi mới và chuyển giao công nghệ, tạo thuận tiện cho thương mại, chuỗi cung cấp và kết nối.