Đổi thay Tân Trào
Đón chúng tôi trước trụ sở UBND được xây dựng khá khang trang, với dáng người đậm chắc, Chủ tịch UBND xã Tân Trào, Hoàng Văn Khải hồ hởi: “Chẳng hiểu sao các anh ạ, ở đây năm nào vào những ngày này cũng có mưa. Theo các cụ, cứ vào ngày lễ mà có mưa là may mắn lắm. Chắc Bác và các đồng chí lãnh đạo lão thành quá cố của chúng ta lại về dự lễ và phù hộ cho bà con ở Tân Trào đây”. Bên ấm nước được pha bằng lá chè rừng lấy ở núi Hồng, ông Khải vui vẻ khi được hỏi. Anh bảo, làm ăn kinh tế của xã, của người dân ở đây thuận lắm, nhà nào cũng đủ ăn, bà con đã bắt đầu đi vào làm giàu.
Người dân Tân Trào hưởng ứng làm đường giao thông liên thôn.
Hiện tại khu ATK Tân Trào có 5 dân tộc anh em sinh sống, nhiều nhất là người Tày, ít nhất là người Cao Lan. Cả xã có 8 thôn, 959 hộ và 4.069 nhân khẩu. Hỏi về những thay đổi đến cơ bản của Tân Trào ngày nay, theo ông Khải: “Ngoài sự chú ý của Đảng, của các cấp, ngành, chúng tôi và người dân nhận thấy thế này: Biết Đảng và lãnh đạo yêu quý, thế nhưng cũng không nên tận dụng mãi lòng tốt, ngồi không mà đón nhận. Các cụ bảo “miệng ăn núi lở” mà. Cứ ăn mãi của cho mà không chịu làm thì lại đói nghèo thôi. Hơn nữa, mình ở đất chiến khu, không đủ ăn, không làm giàu được, những lúc có khách đến thăm thì xấu hổ lắm. Thế là phải cùng nhau vào cuộc, bảo nhau làm cho đủ ăn, và làm cho giàu thôi...”.
Ngoài diện tích ruộng, diện tích hoa màu, năm mùa đổi vụ. Lúa, ngô đủ ăn, trâu, bò nuôi lớn bán đi xây nhà, mua tivi, mua xe máy. Cứ chắt chiu, chịu khó như vậy, tận dụng tất cả các khoản thu chi tới nay Tân Trào đã khởi sắc. Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở Tân Trào chỉ còn 3,84%; thu nhập bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/người/năm. 100% thôn có internet; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Đây là kết quả của sự phấn đấu không ngừng của người dân quê hương cách mạng, cũng như sự đầu tư hiệu quả của Đảng, Nhà nước cho vùng căn cứ cách mạng.
Theo các chuyến xe, hàng hoá nông sản được chở ra nơi tiêu thụ cùng với đó là tiền và các vật dụng khác được đưa vào. Nhờ những khởi sắc này mà 100% trẻ em ở các lứa tuổi được đến trường. Trường mầm non Tân Trào khang trang, tọa bên những ruộng lúa xanh mướt. Các cháu nhỏ được học theo chương trình chuẩn quốc gia. Cô Nguyễn Thị Quý, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường mầm non Tân Trào đã được công nhận chuẩn quốc gia nên việc dạy và học của nhà trường được quan tâm đặc biệt. Thật bất ngờ là một trường vùng cao, nhưng từ lâu trường đã thực hiện giáo án điện tử, hoàn toàn có thể làm việc, liên hệ với nhà trường qua internet. Tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ trường mầm non mà trường tiểu học, trường THCS ở Tân Trào đều đã được công nhận trường chuẩn quốc gia. Các trường học được nối internet rộng khắp.
Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự vươn lên của người dân, nên ATK Định Hóa ngày một thay đổi.
Theo những nhịp đổi mới hối hả, tìm vào thôn Tân Lập, nơi mà 70 năm về trước đã xảy ra sự kiện trọng đại Quốc dân Đại hội Tân Trào. Thôn Tân Lập nằm ở phía đông của xã Tân Trào, có 182 hộ, 762 nhân khẩu, trên 80% dân số trong thôn là người dân tộc Tày. Tân Lập gắn liền với thời gian Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở, làm việc và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, từ tháng 6 đến cuối tháng 8/1945.
Cụ Hoàng Ngọc, năm nay gần 80 tuổi, người đã từng chứng kiến sự kiện trọng đại này rất tự hào về sự đổi thay của quê hương mình. Theo cụ Ngọc, nhờ có sự hỗ trợ, vươn lên của người dân, từ 63 hộ nghèo nay Tân Lập chỉ còn 12 hộ nghèo và cận nghèo. 90% học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở đều theo học tiếp các trường phổ thông trung học. Đặc biệt 180 gia đình ở Tân Lập đã tham gia câu lạc bộ gia đình hạnh phúc. Những con số mà không phải vùng đồng bào dân tộc nào cũng có thể làm được. Với sự nỗ lực, cố gắng của nhân dân thôn Tân Lập và các thôn khác đã góp phần đưa xã Tân Trào từ năm 2014 trở thành xã đầu tiên trong tỉnh hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn.
Định Hoá ngày nay
Nếu nói về địa lý thì ATK Phú Đình (Định Hoá, Thái Nguyên) có vẻ xa xôi với ATK Tân Trào, nhưng thực ra khoảng cách hai ATK này gần lắm, chỉ là bên kia và bên này núi Hồng mà thôi. Nếu như ATK Tân Trào được xây dựng năm 1941 thì ATK Phú Đình được hình thành năm 1946, lúc ta thực hiện cuộc kháng chiến toàn quốc chống lại thực dân Pháp. Khi được xây dựng ATK Phú Đình đã trở thành một liên kết với ATK Tân Trào để Bác và các đồng chí lão thành của ta đi lại hoạt động, chỉ đạo cuộc kháng chiến. Với địa thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ công” (tiến dễ và rút cũng dễ) ATK Phú Đình có tới 108 điểm di tích ghi dấu ấn một thời của chiến khu Việt Bắc. Ngoài nhà sàn Tổng Bí thư Trường Chinh, Nhà in báo Sự Thật, Trường Đảng... thì đây còn là nơi chúng ta quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cách TP Thái Nguyên khoảng hơn 70km, ngày nay đường vào ATK Phú Đình đã dễ đi vì đường được nhựa hoá cơ bản. 62 năm kể từ ngày được thành lập đến nay Phú Đình đã thay đổi toàn diện. Ngoài ruộng nước và vườn đã được phủ kín các loại cây, hứa hẹn những nguồn thu cho các hộ gia đình thì các hình thức dịch vụ ở đây cũng khá phát triển.
Nhà xây và trang trại hiện hữu đã khẳng định việc vượt khó đi lên của người dân ở vùng chiến khu ATK Tân Trào.
Từ TP Thái Nguyên vào, qua trung tâm huyện chúng tôi đã thấy đến 3 trung tâm buôn bán kinh doanh khá sầm uất ở các cụm xã trên đường vào ATK Phú Đình. 1.259 hộ, 5400 nhân khẩu, vốn là xã 135 nhưng chuyện đứt bữa đã được xoá bỏ từ năm 2004. Với 50% số hộ chính sách nhưng số hộ nghèo còn rất ít, gần 100% số hộ đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Ngoài việc trẻ đến trường đúng độ tuổi, thì trình độ lãnh đạo của xã cũng được nâng cao và xã đã phổ cập được vi tính cho các lứa tuổi.
Vừa di chuột, vừa chỉnh sửa một văn bản về phát triển kinh tế cho xã trong thời gian tới, anh Nông Văn Thành cho biết: “Ngoài việc xoá đói, giảm nghèo chúng tôi đang chú trọng phát triển các mô hình kinh tế để giúp dân làm giàu. Ngoài ruộng, rừng chúng tôi tập trung triển khai chuyển dịch kinh tế bằng hình thức trồng chè công nghiệp và phát triển các mô hình trang trại lớn. Với chiến lược phát triển kinh tế này, hiện cả xã Phú Đình có 225 ha chè trong đó 220 ha chè kinh doanh với năng suất 1500 tấn/năm và đem lại cho xã vài trăm triệu đồng”.
Các mô hình trang trại hộ gia đình theo quy mô lớn đã hình thành với những chủ hộ như Hoan Dần (thôn Nà Mùi), Ma Đình Được (thôn Khuôn Tát) hay gia đình Hoàng Văn Nhâm. Những gia đình này mỗi năm đã đem lại nguồn thu cho gia đình tới vài chục triệu đồng. Họ không những biết học hỏi vươn lên làm giàu cho mình mà còn là gương sáng để người dân trong vùng học tập. Lấy đó để học hỏi, lấy đó để mà đi lên trong cuộc sống, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo ngay tại quê hương mình.
Phú Đình nắng chiều rót vàng như mật xuống đèo De - với tiếng ve kêu và một sắc vàng rực lửa của rừng phách đã lưu luyến chúng tôi trên hành trình trở về. Một niềm vui nữa bất chợt đến khi được biết khu thương mại Phú Đình có tầm cỡ sẽ hiện diện. Ngoài giải quyết công ăn việc làm cho người dân vùng ATK nó còn như một minh chứng cho sự chuyển mình của đất này.