Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

ATM cận tết ở nội thành “vắng vẻ”, khu công nghiệp vẫn nóng

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến Tết nguyên đán 2020, tại các tuyến đường lớn, khu tập trung nhiều cơ quan, văn phòng trong nội thành Hà Nội chưa xảy ra tình trạng “tắc đường” cho ATM. Tuy nhiên, tình trạng này lại vẫn “nóng” tại các khu công nghiệp dẫn tới tình trạng “treo máy”.

Dân Việt đưa tin, tại các máy rút tiền trên các tuyến đường lớn, khu tập trung nhiều cơ quan, văn phòng trong nội thành Hà Nội, lượng khách hàng đến rút tiền tại thời điểm hiện nay vẫn chưa có sự đột biến nào so với thời điểm trước đây. Nhiều ATM chỉ có 1 hoặc 2 người đến rút. Thậm chí có những ATM không có người giao dịch.

ATM cận tết ở nội thành “vắng vẻ”, khu công nghiệp vẫn nóng - Ảnh 1.

Hình ảnh tại một số ATM khu vực tập trung nhiều cơ quan, văn phòng trong nội thành Hà Nội

Chia sẻ với phóng viên, chủ cửa hàng đối diện một ATM trên đường Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, lượng khách hàng đến rút chủ yếu tập trung vào 2 thời điểm là nghỉ trưa và tan làm. Tuy nhiên, hiện tại thì tình trạng “xếp hàng” đợi được rút tiền quá lâu để rút tiền không còn xảy ra thường xuyên như trước đây.

“Tôi ở đây trước khi người ta lắp đặt cái ATM này nhưng chưa thấy Tết năm nào ít người đến rút tiền như năm nay, chỉ lác đác vài người buổi trưa còn buổi tối nhiều hơn chút nhưng cũng không đến mức phải xếp hàng đợi lâu như năm trước. Cũng có thể sang tuần người đến rút tiền sẽ nhiều hơn vì lúc đó chi tiêu, về quê hay đi lại nhiều hơn thời điểm này”, bà chủ cửa hàng này cho hay.

ATM cận tết ở nội thành “vắng vẻ”, khu công nghiệp vẫn nóng - Ảnh 2.

ATM khu vực ven Hà Nội

Dù không thuộc nội thành Hà Nội, song theo ghi nhận tại một số huyện ven nội thành có nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang hoạt động, tình trạng “nghẽn” ATM trong những ngày này chưa thấy xuất hiện. Đặc biệt, tình trạng hết tiền hay máy trả tiền lẻ, tiền rách gần như không còn xảy ra.

Anh Nguyễn Tiến Đạt (Hoài Đức – Hà Nội) cho biết, so với nhiều năm trước dịch vụ ATM đã cải thiện hơn rất nhiều, tình trạng ATM hết tiền trên địa bàn cũng đã ít xảy ra hơn. Sau giờ làm việc nhiều người cùng đến rút nên vẫn phải xếp hàng nhưng không phải chờ lâu vì năm nay trên địa bàn đã có thêm nhiều cây rút tiền hơn.

Anh Đạt nhớ lại, cận Tết nguyên đán năm trước mỗi lần đi rút tiền anh cảm thấy rất mệt mỏi. “Nhiều khi phải đợi đến gần 1 tiếng đồng hồ, khách đến rút tiền hết tốp nọ đến tốp kia, nhiều lúc rất mệt. Đến lượt mình rút thì lại hết tiền. Có hôm thì rút 200 nghìn thôi cũng không được. Năm nay nhiều máy ATM hơn nên dân đen chúng tôi đỡ khổ hơn rồi, tất nhiên vẫn có lúc phải đứng đợi nhưng không lâu như trước”, anh Đạt vui vẻ nói.

ATM cận tết ở nội thành “vắng vẻ”, khu công nghiệp vẫn nóng - Ảnh 3.

Một ATM không người giao dịch

Trái với sự “vắng vẻ” của ATM kể trên thì tại các khu công nghiệp hiện tượng công nhân xếp hàng kéo dài để chờ rút tiền vẫn “đến hẹn lại lên”.

Chia sẻ về tình trạng rút tiền tại khu công nghiệp Thăng Long – Hà Nội, một công nhân cho biết, thời điểm “nóng” của ATM là lúc công nhân tan tầm (thường sau 17h) khiến cho tình trạng ATM ở đây quá tải. Thông thường phải xếp hàng đợi 10 đến 15 phút, cao điểm như 2 ngày hôm nay thì có thể lên tới 30 phút.

“Chúng tôi quen với việc này rồi, vì năm nào cũng vậy. Tuy nhiên, vì mật độ đông nên đôi lúc xảy ra tình trạng máy ATM bị treo không rút được tiền, phải đến các ATM của ngân hàng khác rút và trả phí giao dịch gấp 3 lần so với việc rút cùng hệ thống máy của ngân hàng phát hành thẻ, tôi thấy rất phiền phức, tốn kém”, vị công nhân này chia sẻ.

ATM cận tết ở nội thành “vắng vẻ”, khu công nghiệp vẫn nóng - Ảnh 4.

Vẫn còn tình trạng "treo máy" ATM tại khu công nghiệp

Theo Lao Động, theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP, các ngân hàng sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng nếu các ATM ngừng hoạt động quá 24 tiếng mà không báo cáo với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thuộc địa bàn và thông báo rộng rãi cho khách hàng.

Từ tháng 11/2019, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành văn bản yêu cầu các ngân hàng, tổ chức thanh toán thực hiện các biện pháp đảm bảo hoạt động thanh toán, rút tiền mặt của người dân diễn ra thông suốt.

Trong văn bản mới, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, sở giao dịch… thực hiện các biện pháp đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian quyết toán năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán 2020.

Theo đó, các ngân hàng phải có kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đồng thời, phải giám sát hoạt động của hệ thống ATM, đảm bảo mạng lưới diễn ra an toàn và thông suốt.

Bà Trần Thị Thu Oanh - Giám đốc Phòng giao dịch Agribank chi nhánh Kim Chung (Khu Công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) - cho biết ngân hàng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để đưa ra các phương án giãn lệch ngày trả lương để giảm tải ATM trong dịp Tết.

Ngân hàng tìm hiểu lịch nghỉ tết của doanh nghiệp để từ đó luân phiên đổ lương vào thẻ cho từng doanh nghiệp. Trong trường hợp các doanh nghiệp giữ lại một phần tiền thưởng Tết để trả vào ngày cuối cùng, ngân hàng tính đến phương án trả tiền mặt trực tiếp cho công nhân.

Hiện tại ở Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội có khoảng 20 cây ATM. Bà Trần Thị Kim Oanh cho biết, trung bình phòng giao dịch chi nhánh Kim Chung tiếp quỹ 10 - 20 tỉ đồng/ngày, mỗi ngày 1 lần. Vào cao điểm gần Tết, ngân hàng sẽ tiếp quỹ 2 lần mỗi ngày để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

Theo chia sẻ của Giám đốc Agribank chi nhánh Kim Chung, số lượng khách và giao dịch rút tiền cận Tết tại ATM của Agribank khu công nghiệp Thăng Long khá ổn định trong 2 năm gần đây. Thời điểm Tết năm ngoái đã không còn tình trạng ách tắc nhiều. Đôi lúc xảy ra sự cố nghẽn mạng Internet, nhưng sau đó được khắc phục. Cũng có trường hợp khách hàng không thao tác kỹ dẫn tới bị khoá thẻ mất mã pin.