Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bà Bovary: Từ bài báo đến tác phẩm viết 6 năm ròng rã…

Flaubert viết về Emma Bovary, người phụ nữ bị đầu độc bởi tiểu thuyết kiếm hiệp – ngôn tình, luôn chạy theo ảo ảnh của hạnh phúc mà bỏ rơi gia đình, cuối cùng chịu cái kết đầy bi kịch. Nhưng đoạn đầu của tác phẩm thì chỉ thấy có nửa đầu đời của Charles Bovary, chồng nàng. Chúng ta cứ đi mãi theo ông ta trong tuyến truyện dường như ít liên quan, chẳng hề nhắc đến Emma Bovary đến một lời. Có lẽ, chiếc mũ của Charles còn là nhân vật nổi bật hơn cả Emma, nếu ta chỉ đọc những đoạn mở lời. Nhưng với sự cẩn thận của tác giả, có lẽ chi tiết này cũng thật đáng giá.
 
[...] người học trò mới vẫn giữ cái mũ cát két trên đầu gối, một trong những loại kiểu hỗn hợp mà ở đó người ta nhận thấy cả những thành phần, mũ trùm đầu có tuyết lẫn mũ kỵ binh Ba Lan và mũ tròn, mũ cát két bằng lông da rái cá, mũ trùm bằng vải bông, tóm lại, nó là một vật tồi mà cái vẻ xấu xí trầm lặng biểu hiện một cách sâu sắc tựa hồ bộ mặt của một kẻ đần độn... v.v”
 
Con người của Charles trong chiếc mũ của ông ta lúc thiếu thời, được giữ gìn một cách rụt rè và đầy kính cẩn đến kì dị, được cầm trong đôi tay khúm núm, sợ sệt của một người đang bị bạn học và thầy giáo cười nhạo. Để rồi đọc sâu hơn nữa, ta nhận ra Charles Bovary hiền lành nhưng cũng đầy nhu nhược và tầm thường, là đối cực so với Emma Bovary chứa đầy ảo tưởng vì vốn là người đàn bà đầy nhiệt huyết và đa cảm.
 
Hết bức màn này đến bức màn khác được dựng lên trước khi Emma Bovary bước ra sân khấu. Charles hết tốt nghiệp lại đi thi, thi trượt, thi lại và lại tốt nghiệp, rồi đi làm và cưới một bà vợ cả (không phải Emma). Tất cả đều có sự xếp đặt của bà Bovary – mẹ Charles. Như vậy, có hai bà Bovary trước khi Emma đặt chân vào thế giới của chồng mình. 
 
Emma cuối cùng chỉ là một nhân vật nhỏ bé được đặt trong toàn cảnh cục diện được xếp đặt, bị ảnh hưởng sâu sắc bởi quyết định của những người xung quanh, phạm sai lầm do thiếu kinh nghiệm và con đường tư duy đầy cảm tính. Flaubert khẳng định tính chi phối của nhiều yếu tố tới số phận con người, từ đó đưa ra một cái nhìn nhân văn hơn, tinh tế hơn. Ngay từ những dòng đầu, ông đã cho thấy cái đáng thương của nhân vật chính, tuy không quên chỉ ra sai lầm của nàng. 
 
Flaubert đã cho người đọc mấy điều mà kiểu tiểu thuyết cũ không cho phép họ làm. Thứ nhất, ấy là quyền phán xét. Xây dựng các nhân vật bằng lối kể tuần tự, tỉ mỉ, các đánh giá chủ quan là rất ít trong văn phong của ông. Những quan sát kĩ càng hiếm thấy trở thành báo hiệu cho tính cách và động cơ nhân vật cùng hoàn cảnh họ tự dựng lên hay bị đẩy vào. Những câu hỏi về sự đáng thương, đáng trách của Emma hay Charles hay bất cứ ai trong bi kịch đều không quan trọng, bởi đường ranh giới các quan niệm đạo đức đã bị làm mờ đi. Tình cảm của Charles đến vợ mình là thật, dù nó được thể hiện đầy sai lầm và kém tinh tế. Người mẹ độc đoán của Charles cũng là người yêu con hết mực. Emma Bovary và Charles Bovary về mặt bản chất đã không hòa hợp, nên sự vẫy vùng của Emma hay sự tù túng mà Charles tạo nên, đều có lời giải thích... 
 
Nếu chỉ đọc tóm tắt, câu chuyện sẽ giống như những gì có trong báo lá cải, những phản bội, ngoại tình, một đứa trẻ mồ côi do bố mẹ chia cắt... những tường thuật tưởng khách quan mà đầy phiến diện và tàn độc. Flaubert lấy nguyên mẫu Emma Bovary từ một phụ nữ Pháp bất hạnh, và nỗi bất hạnh của nàng cũng được in khắp mặt báo lá cải ở Paris thời bấy giờ. Nhưng một bài báo đã kéo thành câu chuyện viết trong 6 năm ròng rã... có lẽ là một cái nhìn khác, một tiếp cận rón rén hơn nhưng không hề rụt rè, từ sự cẩn trọng trong từ ngữ đến nội dung... Có lẽ, với những chi tiết mang ý nghĩa xuất hiện dày đặc, Flaubert chỉ mong chúng ta quan sát, nhưng từ một hướng khác.
 

 

Ngô Gia Thiên An/GĐTE